Chùa Bửu Minh Gia Lai - Phật giáo và Thời đại

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2008

VĂN KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ


KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ


Soạn giả : Đại sư Tĩnh Am huý Thật -Hiền


Thật -Hiền tôi, một sư tăng phàm phu, hư hèn ngu muội, đập đầu lạy khóc, rớm máu quanh mi, van xin đại chúng hiện tiền, cùng tín hữu nam nữ mai hậu, cúi xin quý vị xót thương, ghé tai nghe xét.Từng nghe : cửa yếu vào Đạo lấy sự phát tâm đứng hàng đầu, việc cấp thiết tu hành lấy sự lập nguyện làm bước trước. Nguyện có lập thì chúng sanh mới độ nổi, tâm có phát thì Đạo mới tựu thành. Nếu tâm rộng lớn không phát , nguyện kiên cố không lập, thì dù trải qua trăm kiếp ngàn đời, vẫn cứ quanh quẩn trong vòng luân hồi mãi mãi. Dù có gia công tu hành, cũng chỉ nhọc công vô ích, đắng cay vẫn hoàn đắng cay. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm nói: Quên mất tâm Bồ đề mà tu hành các thiện pháp , gọi là hành động của ma. Quên mất mà còn như thế, huống nữa là chưa phát? Cho nên biết rằng, muốn học Đạo Như Lai trước hết phải phát nguyện Bồ đề , không thể hoãn lại được.Nhưng tâm nguyện có nhiều tướng khác nhau, nếu không trình bày, biết đâu mà hướng tới? Nay vì đại chúng, xin nói tóm lược. Tướng trạng tâm nguyện có tám, đó là: tà, chánh, chân, nguỵ, đại, tiểu, thiên, viên.Đời có người tu, sau khi vào chùa chẳng xét tâm mình, chuyên lo ngoại vụ. Hoặc cầu sướng thân, hoặc ham nổi tiếng, hoặc ưa thích dục lạc thế gian, hoặc cầu mong quả vui mai hậu. Phát tâm như thế đích thị là tà.Danh lợi không ham, quả vui chẳng thiết, chỉ mong giải thoát, đạt Đạo Bồ đề, Phát tâm như thế được gọi là chánh.Niệm niệm liên tục, ngước lên thì cầu Phật đạo, cúi xuống thì độ chúng sanh. Nghe Phật đạo cao siêu, không sanh sầu lo thoái chí, thấy chúng sanh khó độ không sanh mệt mỏi sờn lòng. Như trèo núi cao muôn trượng, quyết lên thấu đỉnh, như leo tháp lớn chín tầng, phải leo tận nóc. Phát tâm như thế được gọi là chân.Có tội không sám hối, có lỗi không dứt trừ, ngoài sạch trong dơ, trước siêng sau nhác. Tâm tuy tốt đấy nhưng phần lớn bị danh lợi giao xen, pháp tuy hay đấy nhưng oan uổng bị vọng nghiệp nhuốm bẩn. Phát tâm như thế đích thị là ngụy.Cõi chúng sanh hết, nguyện ta mới hết, Đạo Bồ đề thành, nguyện ta mới thành. Phát tâm như thế mới gọi là đại.Xem ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia. Chỉ mong tự độ, không muốn độ người. Phát tâm như thế đích thị là tiểu.Ngoài tâm nếu thấy có chúng sanh cần độ, có Phật đạo mong thành, công phu không xả, thấy biết không tan. Phát tâm như thế đích thị là thiên.Nếu biết tự tánh là chúng sanh , nên nguyện độ thoát, tự tánh là Phật đạo, nên nguyện tu hành. Đem tâm hư không , phát nguyện hư không, tu hạnh hư không , chứng qủa hư không , cũng không có tướng hư không có thể chứng đắc. Phát tâm như thế được gọi là viên.Biết được tám tướng khác nhau trên đây là biết cứu xét. Biết cứu xét là biết lấy bỏ. Biết lấy bỏ là biết Phát tâm .Cứu xét như thế nào? Cứu xét tâm mình phát ra so với tám tứơng nói trên : Là chánh, là tà, là chân , là nguỵ, là đại, là tiểu, là thiên hay viên.Lấy bỏ thế nào? Bỏ tà, bỏ nguỵ, bỏ tiểu ,bỏ thiên. Lấy chánh, lấy chân , lấy đại , lấy viên. Phát tâm như thế mới gọi là chân chánh Phát tâm Bồ đề .Tâm Bồ đề này là pháp lành hàng đầu trong các pháp lành, phát khởi được tâm ấy hẳn phải có nhân duyên. Nhân duyên phát khởi lược tóm có mười: Một là nhớ nghĩ ơn nặng của Phật, Hai là nhớ nghĩ công ơn cha mẹ, Ba là nhớ nghĩ công ơn sư trưởng, Bốn là nhớ nghĩ công ơn thí chủ, Năm là nhớ nghĩ công ơn chúng sanh , Sáu là nhớ nghĩ khổ đau sinh tử, Bảy là tôn trọng tánh linh của mình, Tám là sám hối nghiệp chướng đã gây, Chín là nguyện cầu vãng sanh Tịnh độ, Mười là làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài.
THẾ NÀO LÀ NHỚ NGHĨ ƠN NẶNG CỦA PHẬT ?
Đức Thế Tôn Thích Ca Như Lai chúng ta, khi mới phát Tâm, vì tất cả chúng ta mà tu hạnh Bồ tát, trải qua vô lượng kiếp, nếm đủ mọi mùi cay đắng gian lao. Khi ta gây nghiệp, Ngài rất xót xa, tìm cách giáo hóa, nhưng ta u mê chẳng chịu nghe. Ta đọa địa ngục, Ngài càng xót đau hơn, muốn thay ta chịu khổ, nhưng nghiệp ta quá nặng cứu vớt thật vô phương. Ta sinh cõi người, Ngài dùng phương tiện giúp ta trồng gieo căn lành. Đời đời kiếp kiếp Ngài theo dõi ta, không lúc nào bỏ. Khi Ngài xuất thế, ta còn đắm chìm, nay được làm người thì Phật đã diệt..Tội lỗi gì khiến ta sinh vào thời mạt pháp, phước đức nào đưa ta vào hàng ngũ xuất gia ? Nghiệp chướng khiến ta không được thấy thân vàng của Phật, may mắn nào xui ta được cung chiêm xá lợi của Ngài ? Suy nghĩ như thế thì mới vỡ lẽ : Giả sử quá khứ ta không trồng thiện căn, thì sao hôm nay được nghe Phật pháp ? Không nghe Phật pháp thì làm sao biết mình thường thọ Phật ân ? Ân đức ấy non cao khó sánh, trừ khi tự mình phát tâm rộng lớn, hành Đạo Bồ tát, xây dựng pháp tràng, cứu độ chúng sanh, dù cho thịt nát xương tan cũng khó mà đền đáp cho xứng. Đó là nhân duyên thứ nhất của sự phát tâm Bồ đề .
THẾ NÀO LÀ NHỚ NGHĨ CÔNG ƠN CHA MẸ ?
Thương thay cha mẹ, sinh ta nhọc nhằn. Mười tháng cưu mang, ba năm bú mớm, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn, ngậm đắng nuốt cay, ngọt bùi chẳng tưởng. Khổ công nhường ấy, ta mới thành người. Hy vọng về sau, tiếp nối gia phong, lo phần tế tự. Vậy mà nay ta lại đi xuất gia, lạm xưng Thích tử, nhục hiệu Sa môn. Ngọt bùi không cung cấp, giỗ chạp chẳng thừa tương. Lúc còn sống ta đã không chu toàn được miếng cơm manh áo. Khi chết rồi ta lại chẳng đủ sức tiếp dẫn giác linh. Đối với thế gian ta là kẻ ăn hại, về mặt xuất thế ta cũng chẳng được ích chi. Hai đường đều mất tội nặng khó thoát. Suy nghĩ như thế thì chỉ còn một cách là thường hành Phật đạo trong trăm kiếp ngàn đời, độ khắp chúng sinh trong mười phương ba cõi. Như vậy không những cha mẹ một đời, mà cha mẹ nhiều kiếp đều được siêu thăng, không những cha mẹ một người mà cha mẹ của tất cả đều được cứu vớt. Đó là nhân duyên thứ hai của sự phát tâm Bồ đề .
THẾ NÀO LÀ NHỚ NGHĨ CÔNG ƠN SƯ TRƯỞNG ?
Cha mẹ ta tuy sinh ra ta và nuôi ta khôn lớn, nhưng nếu không có sư trưởng thế gian thì lễ nghĩa không biết, không có sư trưởng xuất thế thì Phật pháp không hay. Không biết lễ nghĩa khác gì cầm thú, không tin Phật pháp tương đồng người phàm. Chúng ta ngày nay Phật pháp có hiểu sơ qua, lễ nghĩa có biết tạm đủ. Thân phủ cà sa, mình đượm giới phẩm. Công ơn lớn ấy chính nhờ sư trưởng mà có. Nếu cầu quả nhỏ chỉ được lợi mình, nay theo đại thừa, nguyện đem lợi lạc đến khắp quần sanh, thì sư trưởng thế gian và sư trưởng xuất thế, cả hai đều được lợi ích, do ta cung hiến. Đó là nhân duyên thứ ba của sự phát tâm Bồ đề .
THẾ NÀO LÀ NHỚ NGHĨ CÔNG ƠN THÍ CHỦ ?
Chúng ta ngày nay, nhu dụng hàng ngày chẳng phải do ta tự cấp. Cháo cơm ba bữa, quần áo bốn mùa, thuốc men trị bệnh, chi phí linh tinh, hết thảy đều do sức lực kẻ khác làm ra, mang đén cho ta chi dùng. Họ thì dốc sức cày cấy, bụng chẳng đủ no, ta thì ngồi không an hưởng, lòng vẫn chưa thõa. Họ thì dệt đan không ngừng tay mà suốt đời gian khổ, ta thì may mặc đến thừa mứa mà đâu biết tiếc thương. Họ thì nhà tranh cửa lá, nghèo khổ suốt đời, ta thì sân rộng nhà dài, thong thả quanh năm. Đem sức lao nhọc của họ để cung cấp cho cái sống an nhàn của ta, lòng sao yên đựơc, lấy cái lợi của người để bồi dưởng thân ta sung sướng, lý có thuận không? Nếu chẳng phải mình vận dụng hai đức Bi –Trí, trang nghiêm hai quả Phước-Tuệ, để tín thí nhờ ơn, chúng sanh thọ sủng, thì dù gạo chỉ một hột, vải chỉ một ô, mà mình đã thọ cúng trước kia, đến nay đều phải trả đủ, không thì ác báo khó trốn. Đó là nhân duyên thứ tư của sự phát tâm Bồ đề .
THẾ NÀO LÀ NHỚ NGHĨ CÔNG ƠN CHÚNG SANH ?
Ta với chúng sinh, từ bao kiếp trước, hết đời nọ qua đời kia, từng làm cha mẹ của nhau, ơn nghĩa qua lại, nhiều lớp nhiều tầng. Nay vì cách đời, cho nên hôn mê không nhận ra nhau, cứ lý mà suy, há không đền đáp. Nay là loài mang lông đội sừng (1), biết đâu xưa kia không là con ta? Nay là loài bò bay máy cựa (2), biết đâu xưa kia chẳng là cha mẹ ta?. Thường thấy bao kẻ, trẻ lìa gia đình, lúc lớn trở về, dung mạo đổi khác, không thể nhận ra. Huống nữa cha mẹ ta đời trước, ngày nay, kẻ họ Trương, người họ Vương, làm sao nhớ được?. Họ đang gào thét trong địa ngục, hoặc đang ngất ngư trong chốn ngạ quỉ, khổ đau ai biết, đói khát kêu ai?. Ta tuy không thấy không nghe, họ hẳn xin cứu vớt. Nếu chẳng phải kinh không đâu nói rành việc ấy, nếu chẳng phải Phật không ai tả rõ cảnh này. hạng người tà kiến làm sao biết nổi! Cho nên Bồ tát nhìn sâu kiến thấy toàn cha mẹ quá khứ, và Chư Phật vị lai thường nghĩ cách giúp đỡ để báo đền ơn. Đó là nhân duyên thứ năm của sự phát tâm Bồ đề.
THẾ NÀO LÀ NHỚ NGHĨ KHỔ ĐAU SINH TỬ ?
Ta cùng chúng sinh từ bao kiếp trước, sinh tử quẩn quanh, chưa hề thoát khỏi. Khi ở cõi trời, lúc sanh cõi người, nơi kia chốn nọ, vào ra muôn mối, lên xuống nửa giây. Thoắt đâu làm trời, thoắt đâu làm người, thoắt đâu chui vào địa ngục ngạ quỷ súc sanh. Cổng đen sáng ra chiều vào, hang sắt mới khép đã mở. Leo lên núi dao thì không còn mảnh da ngyuên vẹn, vịn vào cây kiếm thì các ô thịt đều bị rách tươm. Hoàn sắt nóng không trừ được đói, nuốt vào rồi gan ruột nát tan, nước đồng sôi không giải được khát, uống vào rồi thịt xương nhừ ngấu. Cưa bén xẻ thây, đứt xong liền nối, gió nghiệp thổi mặt , chết rồi lại sanh.Trong thành rực lửa, thảm thê tiếng hét rú lên, trên bàn ngào nướng, tê tái tiếng gào vang vọng. Băng giá đông lại thì thân hình xanh như sen xanh kết nhuỵ, máu thịt rửa ra thì mình mẩy đỏ tựa sen đỏ trổ hoa. Trong chốn địa ngục một đêm chết sống kể cả vạn lần, so với nhân gian một buổi thọ hình lâu tròn thế kỷ. Bao phen linh ngục ra tay nhọc mệt, nào ai chịu tin lời Diêm chúa răn khuyên, lúc thọ báo mới kêu van khổ, nhưng dù hối cũng chẳng kịp nào, khi thoát rồi thì vội quên ngay, vẫn nghiệp cũ lại gây như trước. Đánh lừa văng máu đâu hay chính mẹ mình đang khóc thảm, xua heo vào lò đâu còn như thế, ăn thịt cha mà chẳng hay, phàm phu cũng thế thôi. Năm xưa ân ái nay thành oan gia, hôm qua oán cừu nay thành ruột thịt. Đời trước là mẹ mà nay là vợ, thuở xưa là cha nay lại là chồng. Lấy trí túc mạng mà soi thì đáng hổ thẹn biết mấy, lấy mắt thiên nhãn mà nhìn thì đáng chán đáng cười biết bao! Trong bụng đầy phẫn, mười tháng rúc chui, hết còn chịu nổi, qua đường ngập máu, một phen chúi xuống, thương thật là thương! Nhỏ dại biết chi, mô tê chẳng rõ,lớn khôn dần hiểu, tham dục bèn sanh. Loáng thoáng mới đó mà già đau đã tới kiếm, thình lình xuất hiện gã vô thường lại hỏi thăm, gió lửa trong lúc giao tranh, thần thức tơi bời rối loạn. Khí huyết bên trong vơi cạn, xương thịt bên ngoài teo khô. Không một kẽ chân lông nào không bị kim đâm, không một nơi khiếu huyệt nào không bị dao cắt. Rùa già đem nấu, lột được vỏ ra, tưởng e còn dễ, thần thức sắp đi, phải lìa khỏi xác, khó gấp bội phần. Tâm là ông chủ vô thường, giống chú lái buôn bôn tẩu, thân là cái hình vô định, khác nào phòng ốc rày đổi mai thay. Chỉ như mảy bụi ở cõi ba ngàn, thân nọ quay cuồng qua lại vô tận kể sao cho xiết! Cao quá núi cao chất ngất xương chồng, dày hơn đất dày, rậm rịt thây sắp. Giả sử không được nghe lời Phật, lý đó ai hay ai biết? Vậy mà có kẻ vẫn tham luyến như xưa, si mê không bỏ. Chỉn e ngàn đời muôn kiếp mới được làm người, một lầm hai lỡ rây rưa trăm kiếp. Thân người khó được mà dễ mất, vận may dễ qua mà khó tìm. Đường đời mù mịt , ly biệt dài lâu. Ác báo ba đường, rồi phải tự thọ. Khổ hết chỗ nói, ai chịu thay đây? Nhân hứng mà nói dông dài, đến đây không thể không thấy lòng mình giá buốt. Cho nên phải dứt lòng sanh tử, vượt nẻo ái hà, mình người cùng thoát, bờ giác cùng lên. Công lao muôn kiếp, chính được bắt đầu từ hôm nay. Đó là nhân duyên thứ sáu của sự Phát tâm Bồ đề .THẾ NÀO LÀ TÔN TRỌNG TÂM LINH CỦA MÌNH?
Tâm của chúng ta trong hiện tiền, so với Đức Thế Tôn Thích Ca, không hai không khác. Thế thì vì sao, Thế Tôn đã thành Chánh giác từ vô lượng kiếp, còn chúng ta thì điên đảo hôn mê vẫn làm phàm phu? Lại nữa, Thế Tôn thì đủ vô lượng thần thông trí huệ, công đức trang nghiêm, còn chúng ta thì chỉ có vô lượng phiền não, nghiệp chướng, sanh tử buộc chặt. Tâm tánh chỉ một mà mê ngộ trời vực cách xa. Cứ im lặng mà suy, há chẳng đáng xấu hổ sao? Ví như ngọc báu vô giá, rơi xuống bùn dơ, xem đồng gạch ngói, chẳng được quý yêu. Cho nên phải dùng vô lượng thiện pháp, mà đối trị vô lượng phiền não. Có gia công tu đức thì tánh đức mới sáng ra. Như ngọc báu được lau chùi, treo trên phướn cao, ánh sáng rực chiếu, che lấp tất cả. Thế mới đáng gọi là không phụ sự giáo hoá của Phật, chẳng phụ tánh linh của mình. Đó là nhân duyên thứ bảy của sự phát tâm Bồ đề.
THẾ NÀO LÀ SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG?
Kinh dạy, phạm một cát la (3) , bị đoạ địa ngục, lâu bằng năm trăm tuổi thọ của trời Tứ thiên vương. Cát la tội nhỏ mà còn như thế, huống nữa tội nặng, báo lớn đến đâu? Chúng ta ngày nay trong nếp sống, nhứt cử nhứt động thường trái luật Phật! Khi ăn lúc uống phạm giới bao phen. Kể cả các vi phạm trong một ngày cũng đã vô lượng, huống nữa trọn đời nhiều kếp, tội lỗi gây ra, khó mà nói hết. Chỉ lấy riêng ngũ giới, cứ mười người giữ đã hết chín người phạm, phát lộ thì ít ém nhẹm thì nhiều. Ngũ giới là giới tại gia, mà còn không giữ nổi, huống nữa các giới Sa-di,Tỳ-kheo, Bồ Tát, thôi khỏi bàn chi! Hỏi đến danh nghĩa thì ta đây tỳ kheo, hỏi về thực chất thì chưa xứng để làm một tại gia đệ tử. Há chẳng đáng hổ thẹn sao? Nên biết rằng giới Phật đã không thọ thì thôi, đã thọ thì không được huỷ phạm, không phạm thì thôi, đã phạm thì khó tránh đoạ sa. Nếu không vì xót mình thương người, mà miệng van lơn, thân quỳ lạy, khóc lóc thảm thiết, cùng với chúng sanh , cầu xin sám hối, thì dù ngàn đời muôn kiếp ác báo khó bề tránh khỏi. Đó là nhân duyên thứ tám của sự phát tâm Bồ đề.
THẾ NÀO LÀ CẦU SANH TỊNH ĐỘ?
Tu ở cõi này sự tiến đạo qúa khó, nhưng vãng sanh cõi kia, việc thành Phật cũng dễ thôi. Dễ cho nên mmột đời có thể đạt được, khó cho nên muôn kiếp chưa chắc tựu thành. Vì vậy mà Thánh hiền đời trước, ai ai cũng thú hướng về đây, ngàn kinh muôn luận, đâu đâu cũng giãi bày nghĩa này. Việc tu hành trong đời mạt pháp, không pháp nào hơn được pháp ấy. Song lẽ trong kinh còn chứa thêm: Điều lành nhỏ khó khiến sanh lên, phước đức dày mới đưa đến đó, mà nói phước đức dày, thì không chi bằng chấp trì danh hiệu, nói điều lành nhiều thì phát tâm rộng lớn chiếm ưu tiên. Cho nên chấp trì danh hiệu trong chốc lát, hơn hẳn công đức bố thí cả trăm năm, phát được tâm Bồ đề rộng lớn, vượt trội công đức tu hành trong nhiều kiếp. Bởi vậy niệm Phật là mong được làm Phật, nếu tâm lớn không phát thì niệm cũng chẳng ích chi. Phát tâm là nhằm mục đích tu, nếu Tịnh độ không sanh thì tuy có phát nhưng cũng dễ thối. Thế thì gieo giống Bồ đề, phải cày bằng cày niệm Phật, đạo quả tự nhiên tăng trưởng, cưỡi thuyền đại nguyện, vào được biển lớn Tịnh độ, Tây phương quyết định vãng sanh. Đó là nhân duyên thứ chín của sự phát tâm Bồ đề.
THẾ NÀO LÀ LÀM CHO CHÁNH PHÁP TỒN TẠI LÂU DÀI?
Thế Tôn chúng ta từ vô lượng kiếp, vì tất cả chúng ta, mà tu đạo Bồ đề. Ngài làm được việc khó làm, nhẫn được việc khó nhẫn. Cho nên khi nhân tròn quả đủ, Ngài mới thành Phật. Sau khi thành Phật, giáo hoá hoàn tất, Ngài vào Niết bàn. Nay thì chánh pháp tượng pháp đã qua, chúng ta đang ở trong đời mạt pháp, Phật pháp còn đó mà không người tu hành. Tà chánh lộn xộn, phải trái khó phân, ganh đua nhân ngã, toàn phường lợi danh, ngước mắt nhìn quanh mọi người đều vậy chẳng ai thoát khỏi. Mịt mù chẳng biết Phật là ông nào? Pháp nghĩa ra sao? Tăng là cái gì? Suy tàn đến thế nói ra bất nhẫn, nhưng mỗi khi nghĩ đến bất giác lệ tuôn, ta là con Phật mà không thể đền đáp công ơn Phật?, trong không ích cho mình, ngoài chẳng ích cho người, sống không ích cho đương thời, chết chẳng ích cho hậu thế. Trời tuy cao không che nổi ta, đất tuy dày không che nổi ta, cái đứa cực ác, không ta thì ai? Do đó lòng đau không thể chịu nổi, mà toan tính thì cũng chẳng đề xuất được kế gì. Bỗng nhiên vụt quên rằng mình quê mùa, vụt phát tâm chí rộng lớn. Tuy chưa thể vãn hồi mạt vận ngay trong lúc này, nhưng quyết định phải hộ trì được chánh pháp mai sau. Cho nên cùng các thiện hữu dắt nhau đến đạo tràng, soạn thuật sám pháp, lập pháp hội này. Phát bốn mươi tám đại nguyện, nguyện nào cũng nhằm hoá độ chúng sanh, cầu trăm ngàn kiếp thâm tâm, tâm nào cũng hướng tiêu đích làm Phật. Kể từ hôm nay cho đến tận cùng đời vị lai, phải thanh toán cho xong cái hình hài này, và thề quyết phải sanh về an dưỡng. Sau khi lên xong chín phẩm lại lui về Ta bà. Mặt trời Phật pháp sẽ được sáng lại, cửa vào chánh pháp được mở toang. Biển lòng tăng giới lặng trong, ở cõi này nhân dân đông độ được tiếp hoá ngay tại chỗ. Vận hội nhờ đó mà kéo dài ra thêm, chánh pháp nhờ đó mà tồn tại lâu dài. Đây là tâm nguyện chân thành, từng được thiết tha ấp ủ. Đó là nhân duyên thứ mười của sự phát tâm Bồ đề.
Như vậy là mười nhân duyên đã hết, tám tướng đã rõ, thú hướng có lối, khai phát có nơi. Chúng ta đã được làm người, được ở đất có văn hoá, sáu căn không thiếu, cơ thể khoẻ mạnh, đầy đủ tín tâm, may mắn không gặp ma chướng, huống nữa còn được xuất gia, được gặp đạo tràng, được thọ cụ túc, được thờ xá lợi, được tu sám pháp, được gặp bạn lành, được đủ duyên may. Như thế mà nếu hôm nay không chịu phát tâm rộng lớn thì đợi đến bao giờ? Cúi xin đại chúng xót đau cho tấm lòng thành ngu muội của tôi, tiếc thương cho cái chí nguyện khổ sở của tôi, để cùng nhau cùng lập nguyện ấy, cùng phát tâm này. Ai chưa phát thì nay phát, ai phát rồi thì kích thích tăng trưởng, ai tăng trưởng rồi thì nay cứ tiếp tục, đừng sợ khó mà sợ hãi lùi bước, đừng cho dễ mà khinh thường, đừng ham mau mà không giữ được bền lâu, đừng lười nhác mà mất dõng mãnh, đừng rụt rè mà giảm khí thế đang lên, đừng chần chừ mà hẹn rày hẹn mai, đừng tự cho mình ngu mà buông thả tất cả, đừng vì căn cơ chậm lụt mà tự ty rằng mình không được dự phần. Ví như trồng cây, trồng lâu thì rễ càng ngày càng ăn sâu. Lại ví như mài dao, mài hoài thì dao dùi cũng phải bén. Chớ nên vì cạn mà không trồng, để mặc cho cây khô héo, hay vì dùi mà không mài, để mặc cho dao sét rỉ, thành vật vô dụng. Lại nữa, nếu bảo tu là khổ, thì lười lại càng khổ, tu thì chỉ khó nhọc nhứt thời mà an vui vĩnh viễn, lười thì tạm thong thả một đời mà chịu khổ muôn kiếp. Huống nữa, lấy pháp môn Tịnh độ làm tàu thuyền thì lo gì thối chuyển, lại thêm có trí tuệ vô sanh làm sức đẩy thì ngại gì gian nan. Nên biết tôi nhân ở địa ngục mà còn phát tâm Bồ đề từ kiếp trước, huống nữa con Phật trong nhân luân há lại không lập đại nguyện ngay trong đời này!Vì hôn mê từ bao kiếp trước, những gì qua rồi thì không thể cản ngăn, nhưng ngày nay đã tĩnh ngộ, những gì sắp đến còn có thể đón bắt. Nhưng mê mà tỉnh đương nhiên là việc đáng thương, còn biết mà không làm thì mới thật là điều đáng tiếc. Nếu sợ cái khổ địa ngục thì tinh tấn tự sanh, nếu nghĩ cái chết gần kề thì lười nhác không dấy.Lại nữa, phải lấy Phật pháp làm roi giục, lấy bạn lành làm tay dắt, vội mấy cũng không rời, trọn đời bám chặt. Như vậy thì không còn lo gì thối chuyển nữa. Chớ bảo rằng một niệm chẳng đi đến đâu, đừng cho rằng niệm rỗng chẳng có ích gì. Tâm chân thì sự việc thật, nguyện rộng thì công hạnh sâu xa. Hư không đâu có lớn, cái tâm mới là lớn, kim cương đâu có rắn, sức nguyện mới thật rắn.Nếu đại chúng thật tâm, không vứt bỏ lời tôi, thì quyến thuộc Bồ đề từ đây kết hợp, liên minh sen vàng từ đay tương giao.NGUYỆN RẰNG:Cùng sanh Tịnh độCùng thấy Di đàCùng độ chúng sanhCùng thành Chánh giác.Biết đâu ba mươi hai tướng tốt và trăm phước trang nghiêm sau này, chẳng phải bắt đầu từ buổi lập nguyện hôm nay ! Nguyện cùng đại chúng cùng nhau gắng sức . ./.

VÔ ĐỀ 1


Chim nào rớt xuống lòng thung

Xé toang lưới mộng trùng trùng bay lên

Bay lên đỉnh núi không tên

Cất cao tiếng hót mông mênh lưng trời


Giác Tâm

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2008

HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ






Các con thương yêu !




Năm 1981 tức là năm Tân Dậu, Thầy được tin tại chùa Báo Quốc, Thành Phố Huế có mở Đại Giới Đàn, được Sư Ong các con đồng ý Thầy đã ra Huế thọ đại giới, lần thọ giới đó tại Tỉnh Gia Lai chỉ có mỗi mình Thầy. Năm đó Thầy con trẻ lắm, một thân một mình khăn gói ra Cố Đô. Ngôi chùa Thầy đến đầu tiên là chùa Từ Đàm ( trụ sở Tỉnh Hội Phật Giáo Thừa Thiên-Huế ) . Lòng hồi hộp run run khi đặt chân vào ngưỡng cửa Tam Quan, vào phòng khách chùa Thầy thấy hai On Thiện Siêu và Trí Thủ đang ngồi uống nước trà, Thầy đắp y áo và đảnh lễ hai On, thưa rõ về sự có mặt của mình và lý do ra Huế. Hai On lắng nghe, gật đầu tỏ ý vui. On Trí Thủ nói :” Từ Pleiku mà ra tới Huế thọ giới xa dữ hỉ, ừ để On sai quý chú đưa con qua ở bên chùa Báo Quốc rồi tới ngày Giới Đàn mở thì thọ giới về mà tu .
Sau năm 1975 những thông tin về các Giới Đàn chỉ là thông tin truyền miệng, ai nghe được thì tìm đến mà thọ giới, không như bây giờ có thông báo hẳn hoi bằng hệ thống hành chánh của giáo hội hoặc đăng trên báo Giác Ngộ. Bởi vậy Thầy chỉ nghe phong thanh rồi tìm đến, nên đến trước khi Giới Đàn tổ chức cả tháng. Tháng giêng năm 1981 Giới Đàn mới mở, mà tháng chạp năm 1980 Thầy đã có mặt ở Huế rồi .Chính vì lý do đó mà Thầy được ăn tết tại Huế một năm. Huế năm đó còn nghèo lắm, trái cây đơm cúng trong ba ngày tết tại chùa chủ yếu là chuối, mà chuối cũng phải cắt ra từng trái mới đủ đơm cúng các bàn .Huế tết thường rất rét trời mưa phùng bay bay, đi chợ tết phải mặc áo mưa chớ không lạnh lắm ! Người dân xứ Huế rất thích hoa mai, nên thường trồng mai trước nhà và tết thì cưa mai đem ra chợ bán . Khu bán hoa tết năm đó được bày ra ở dọc bên bờ sông hương gần cầu tràng tiền, hoa nhiều nhất vẫn là hoa mai và hoa cúc .
On Trí Thủ trụ trì hai chùa : Chùa Báo Quốc Huế, và Già Lam Sài Gòn năm đo On từ Sài Gòn về Huế ăn tết và tổ chức Giới Đàn, có cả Thầy Lê Mạnh Thát nữa. Thầy ở tại chùa Báo Quốc đúng một tháng được gần gũi và thân cận hai bậc cao tăng khả kính là On Trí Thủ và On Thanh Trí (giám tự chùa Báo Quốc ) .
Quay đi ngoảnh lại mà đã 21 năm, hồi đó Sư anh Thường Chiếu của các con mới sinh mà nay đã trưởng thành chững chạc , đã thay Thầy được một số công việc chùa . Điệu Tăng hồi đó ngủ cùng phòng với Thầy, nay cũng đã thọ giới Tỳ Kheo và hiện đang du học tại An Độ . Các Hoà Thượng, Thượng Toạ trong tam sư thất chứng Giới Đàn nay đã tịch gần hết . Để Thầy nhớ lại thử coi, các vị Giới Sư trong Giới Đàn gồm những ai : “ On Linh Mụ, On Trúc Lâm, On Từ Đàm, On Già Lam, Các Hoà Thượng : Huyền Không , Hưng Dụng, Chánh Pháp, Thiện Trí , Trí Quảng, Đức Tâm va HT.Thiện Bình . Các On Thầy vừa kể ra đều đã tịch , chỉ còn mỗi HT.Thiện Bình là còn , On Thiện Bình hiên giờ ở Nha Trang .
On Già Lam ( tức là HT. Trí Thủ ) quê quán huyện Triệu Phong, Tỉnh Quảng Trị . Xuất gia năm 16 tuổi là đệ tử của Hoà Thượng Thích Viên Thành chùa Tra Am – Huế . Cả đời On hiến dâng và phụng sự cho đạo pháp và dân tộc . On ưu tư trăn trở nhiều về tương lai của phật giáo Việt Nam , lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi nhận công lao lớn nhất của On là về phương diện đào tạo tăng tài , các trường Bồ Đề và các Phật Học Viện của phật giáo trước năm 75 On là người đóng góp lớn nhất về nhiều mặt .
Đường hướng giáo dục của phật giáo việt nam được thể hiện rõ nét nhất là ở Huế , và duy trì cụ thể ở từng ngôi chùa . Sự kính trọng các bậc tôn đức trưởng thượng , tôn ti thượng hạ lớn nói nhỏ nghe . Các On dạy thì cứ nghe cứ làm theo , không hề cãi lại . Và nhất là áp dụng Thanh Quy của thiền môn một cách nghiêm cẩn .
Thầy còn nhớ :” Để trang hoàng cho giới đàn On cho cắt câu băn rôn-Giới luật là thọ mạng của Phật Pháp , giới luật còn là phật pháp còn . Xong rồi On biểu các Thượng Toạ lớn treo lên vị trí do On chỉ . Các Thượng Toạ thấy vị trí không thích hợp và cũng không đẹp , nhưng không dám cãi cũng cứ treo lên . Chiều lại On đi bách bộ xung quanh chùa , nhìn tấm băn rôn On khám phá ra là nó không đẹp mắt và cũng chẳng đúng vị trí , On sai các Thầy gỡ xuống và treo vào vị trí thích hợp hơn ( các Thượng Toạ thở phào nhẹ nhỏm ) .Hồi đó các Thầy ở chùa Báo Quốc hầu hết đều đi làm tổ hợp xì dầu , suốt ngày lao động nên buổi công phu sáng dậy không nổi, ngủ luôn . Chỉ có mỗi mình On Thanh Trí là thức dậy công phu ,sáng nào cũng vậy . Còn On Già Lam thì từ lúc thọ Tỳ Kheo cho đến ngày viên tịch , sáng nào cũng thức dậy rất sớm lạy Phật rất lâu để cầu nguyện cho phật pháp tồn tại mãi ở thế gian này . Các vĩ nhân ở ngoài đời cũng như các cao tăng của phật giáo thường có những điểm giống nhau , đó là đức tính : hy sinh phụng sự cho nhân loại , thân mật dễ gần gũi trong giao tiếp , bình dị đạm bạc trong ăn mặc. On Già Lam cũng vậy, một tháng sống gần On chiều nào Thầy cũng thấy điệu thị giả bưng dọn cho On khi thì hai trái bắp khi thì hai khoanh củ mì . Rất dè sẻn cho bản thân , mà tấm lòng ưu tư nghĩ về tương lai cho đạo pháp thì không thể nghĩ lường . Có một chi tiết mà Thầy không cách gì nhớ được cho chính xác đó là đêm mồng hai Tết On không ở chùa Báo Quốc mà về ở một chùa Tổ thuộc môn phái ( Tra Am hay Ba La Mật ? ) hoặc chùa Tường Vân ? Có cả Thầy Lê Mạnh Thát và Thầy Đạt Đạo nữa, tối lại chư tăng trong môn phái cùng với tăng chúng chùa đắp y áo đảnh lễ chúc thọ mừng tuổi On .On ngồi kiết già trên sập gõ , dáng uy nghi như sư tử chúa , mắt xa xăm On hướng về các vị trụ trì nói lên những lời thống thiết :
“ Sau năm 75 đất nước bước qua vận hội mới nên có nhiều thay đổi, lòng người cũng rất dễ đổi thay nên một số đông tăng chúng tâm lý dao động lo xa quá đã bỏ đạo về đời, chùa chiềng tự viện thì kinh tế quá khó khăn , không đủ cơm gạo mà nuôi điệu chúng , cái nôi Phật Giáo Việt Nam là Huế chúng ta, vậy mà điệu chúng không còn được bao nhiêu . Thử hỏi thế hệ On và các Thầy hiện nay không còn nữa, ai là người tiếp nối mạng mạch phật pháp đây . Theo On các Thầy trụ trì nên quan tâm việc nuôi dưỡng chúng điệu , bản thân mình nên nhịn ăn nhịn mặc khoai cháo qua ngày miễn sao còn cơm để nuôi điệu chúng , đừng đợi đến khi chùa có lúa gạo nhiều mới nuôi,biết đến khi nào chúng ta mới có lúa gạo nhiều , há lẽ nhà nghèo không sinh con đẻ cháu để nối dõi tông môn sao ? On thiết tha mong các Thầy trụ trì nên quan tâm điều đó “.
Trong cái lạnh se sắt lòng của đêm đầu xuân xứ Huế, cộng với không khí trầm hương huyền diệu ,lung linh nến toả của Tổ Đình , những lời dạy của On như thức tỉnh ,như khơi lại và suối nguồn của đạo pháp từ đó được khai thông tuôn chảy. Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế , trường trung cấp Phật Học tại chùa Báo Quốc hiện nay… Có lẽ được bắt đầu từ đêm mồng hai tết năm Tân Dậu tại Tổ Đình …
Chính tấm lòng của On đã khiến cho trái bắp, củ khoai, hạt bo bo làm nên chuyện diệu kỳ ! Vẻ vang trang sử Đạo .






Thầy .
Thích Giác Tâm

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2008

CHÙA BỬU MINH



CHÙA BỬU MINH


( MỘT TRONG NHỮNG CƠ SỞ PHẬT GIÁO ĐẦU TIÊN TRÊN CAO NGUYÊN PLEIKU ).




Tiến sĩ sử học. Nguyễn Thị Kim Vân


Bửu Minh là tên chữ của chùa Biển Hồ Trà - một ngôi chùa rất gần gũi với người dân Pleiku. Cách trung tâm thành phố Pleiku 15 km về phía bắc, chùa Bửu Minh nằm giữa một vùng đồi bạt ngàn chè. Ba phần tư thế kỷ qua, chùa được hình thành và thăng trầm cùng với chính những đồi chè và bộ phận cư dân người Việt trong khu vực.
Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, các nhà tư sản Pháp đẩy mạnh việc lập đồn điền ở Tây Nguyên. Từ năm 1919 - 1920, công ty P.I.T. (Plantation Indóchinoise des Thés) của Pháp đã xin chính quyền thực dân cho họ khai khẩn vùng đất phía bắc Biển Hồ để trồng chè. Đây cũng là đồn điền đầu tiên của người Pháp trên cao nguyên Pleiku. Trụ sở đầu tiên của Sở Trà - như cách người ta quen gọi lúc đó - nằm trên bờ bắc hồ Ia Nueng (Biển Hồ) - cách hồ nước gần 2km. Những gia đình công nhân ở quanh đó, chủ yếu là người miền Trung được lập thành làng Cỏ May.
Thủa ban đầu khai phá vùng đất mới, lưu dân người Việt đã gặp phải không ít khó khăn, trở ngại lớn nhất là những căn bệnh khó tránh của vùng rừng núi như sốt rét, kiết lỵ... đã giết chết khá nhiều người. Cụ Võ Chuẩn - Tác giả Kon Tum Tỉnh chí cho biết tình hình ở Kon Tum những năm đầu thập niên 30: "Trong các làng lập trước, nhiều chỗ nước độc địa lắm, người có chết mà không sinh ra thêm... như làng Phụng Sơn từ khi lập đến nay dân số 27 cứ 27; Làng Ngô Trang cách 10 năm trước 120 người nay còn 60 người . Làng Phước Cần cách các làng An Nam khác 20km dân càng ngày càng mòn chứ không thêm tên nào" - ở đồn điền chè Biển Hồ, nhiều nhân chứng cho chúng tôi biết tình cảnh của công nhân cũng tương tự như vậy.
Để tự trấn an và có nơi gửi gắm niềm tin, khoảng giữa những năm 30 của thế kỷ XX, công nhân người Việt ở làng Cỏ May xin chủ Pháp cho họ lập chiếc am nhỏ dưới gốc đa cổ thụ ở lô chè số 13 - cách làng Cỏ May khoảng 1 km về phía đông - để cầu cúng. Am này được gọi là Sơn Hải Miếu hay Dinh Bà. Hiện trong am còn bức hoành phi đại tự bằng gỗ với 3 chữ lớn: "Niệm Tại Tư ", phần niên đại ghi: Long Thụy - Bính tý (tức là năm 1936). Hai bên ban thờ trong, có 2 bức liễn (đề câu đối) bằng gỗ gõ có cùng niên hiệu với bức hoành phi . Như vậy, Sơn Hải Miếu phải có từ năm 1936 trở về trước.
Cũng trong khoảng thời gian này, ông Nguyễn Văn Khanh (quê ở Huế, gia đình lúc đó đang ở Kon Tum, bản thân ông được chủ Pháp thuê làm Chef cai quản công nhân ở đồn điền Biển Hồ) là một Phật tử, ông đã đứng ra vận động công nhân ở làng Cỏ May lập chùa để có nơi lễ bái, tu tập. Sau khi chuẩn bị xong, mọi người đồng thuận cử ông Khanh lên Kon Tum, mời Sư trụ trì chùa Bác Ái (ngôi chùa đầu tiên ở phía Tây Trường Sơn ) đó là Ngài Tăng Cang Lê Tế ( Hoà thượng Thích Từ Vân ) xuống khai sơn cho ngôi chùa được xây ở đầu làng Cỏ May gọi là chùa Phật Học. Chùa tọa lạc gần bờ bắc đập tràn của công trình thuỷ lợi Biển Hồ hiện nay, có diện tích 70m2, tường xây, mái lợp ngói vảy, có phòng ở và một nhà bếp nhỏ. Trong chùa có tượng Phật A Di Đà ngồi, được làm bằng gỗ mít, cao 60 cm. Ngoài ra còn có tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện đứng, đựơc làm bằng xi-măng, phủ sơn, cao 1 m. Trong những năm đầu, chùa Phật Học chưa có thầy trụ trì , việc nhang khói do cụ Nguyễn Văn Tròn (pháp danh Đồng Thiệt) sinh năm 1894 ở tại chùa đảm nhiệm.
Năm 1947, chùa Phật Học bị sập, một người lái xe cho đồn điền lúc đó tên là Phú đã mang pho tượng Phật A Di Đà về Sài Gòn. Hai năm sau (1949), những tín đồ Phật giáo ở Sở Trà gồm có: Ông Mười Bút, bà Huỳnh Thị Năm, bà Năm Cao... đã đòi được pho tượng từ tay ông Phú và đưa về thờ tại Dinh Bà. Từ đây, Sơn Hải Miếu bên cạnh chức năng thờ thần còn có thêm chức năng của một ngôi chùa - thờ Phật - và là nơi đi về lễ bái cầu nguyện của Phật tử trong vùng. Những năm Sở Trà còn nằm trong tay chủ Pháp, việc xây chùa mới không được chấp nhận. Năm 1956 công nhân Sở Trà mới được chủ Pháp đồng ý cho mời thầy Hai Đẩu từ An Khê về nhang khói tại Dinh Bà, cho đến khi chùa mới được xây xong.
Năm 1960, người Pháp bán lại Sở Trà cho công ty kinh doanh của Hoa kiều Trần Văn Thăng, do ông Lạc Di thay mặt làm quản đốc. Thời gian này, những công nhân theo đạo Phật như: Nguyễn Khắc Tự, Hồ Còn, Hà Lâu, Đặng Chút, Lê Chút, Nguyễn Ngọc Lang, Phạm Nọc... đứng đơn đại diện hơn 200 bà con Phật tử trong vùng xin được xây chùa tại khu vực đất Dinh Bà. Đơn này đã được chủ mới chấp thuận.
Năm 1961, một số những Phật tử tại Sở Trà được bà con uỷ nhiệm đã sang chùa Bửu Thắng (là chùa Tỉnh hội Phật giáo Pleiku lúc đó) xin phép. Trụ trì Chùa Bửu Thắng là thầy Thiện Đức đã đồng ý và cử 5 đạo hữu của chùa Tỉnh Hội do cụ Hương Thê (tức ông Phạm Bá Khải ) phụ trách sang giúp công nhân Sở Trà xây chùa. Bản vẽ của chùa mới do một Phật tử làm việc ở Sở Công Chánh Pleiku thực hiện. Để giúp xây chùa, ông Lạc Di cho chở gạch từ một số ngôi nhà bị sập ở đồn điền Đak Đoa (cùng chủ) về, gỗ làm chùa được Phật tử chặt cưa lấy từ rừng núi địa phương rồi đưa vào xưởng của nhà máy để xẻ.
Tháng 11/1961, lễ động thổ được tiến hành, đến tháng 4/1962 công việc xây chùa hoàn thành. Ngôi chùa mới xây không còn mang tên chùa Phật Học mà lấy tên là Bửu Minh theo chữ đầu của chùa Bửu Thắng. Lễ khánh thành chùa Bửu Minh có Hoà thượng Tâm Đạt trụ trì chùa Thiên Bình từ Bình Định lên chứng minh, cùng các Thượng tọa trong Ban Đại diện Phật giáo Pleiku như: Thượng toạ Thiện Nhơn, thầy Hải Thanh ...
Chùa Bửu Minh được xây theo kiểu chữ Đinh (như nguyên mẫu chùa Bửu Thắng) với diện tích 160 m2, trên nóc có lưỡng long tranh châu, đuôi mái có giao,phụng, và thật sự là một ngôi chùa đẹp vào thời điểm đó. Năm 1963 thầy Thích Thiện Tín trụ trì chùa xây thêm một nhà thờ Tổ bằng gạch tap-lo, mái lợp tôn, diện tích 70m2. Năm 1996, ngôi nhà thờ Tổ này đã sập, Thượng toạ Thích Giác Tâm mời thợ giỏi từ Quảng Nam - Đà Nẵng lên trùng tu lại bằng bê tông - cốt thép, diện tích 100 m2.
Từ ấy đến nay, chùa Bửu Minh đã qua nhiều đời trụ trì :
(Thựơng tọa Thích Từ Hương (sinh năm 1929) hai lần trụ trì chùa này, lần thứ nhất từ năm 1964-1966 và lần thứ nhì từ 1970-1977.
( Đại đức Thích Thiện Tín từ năm 1967-1968
( Đại đức Thích Tịnh Viên trụ trì khoảng 7-8 tháng trong năm 1969 (Thượng toạ Thích Đồng Trí từ năm 1978-1989 .
Thượng toạ Thích Giác Tâm từ năm 1989 đến nay.
Các vị Sư trụ trì đều có những đóng góp quan trọng cho sự hoàn thiện một cơ sở thờ tự của tín đồ Phật giáo trên cao nguyên Pleiku. Nội điện chùa Bửu Minh hiện thờ 4 pho: tượng Phật Thích Ca ngồi (bằng xi-măng), cao 1m30 ; tượng Bồ Tát Địa Tạng ngồi ( bằng đá sa thạch )cao 55cm , tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma đứng (bằng đá sa thạch) cao 65 cm ; Tượng Phật A Di Đà ngồi (bằng gỗ mít ) cao 80 cm; tượng Phật Di Lặc ngồi (bằng gỗ mít ) cao 70 cm .
Năm 1991 thầy Giác Tâm tôn trí thêm tượng Bồ Tát Quan Thế Âm lộ thiên, cao 3m20; năm 1994 xây thêm dãy nhà Tăng, nhà trù , tường gạch, mái lợp ngói có diện tích 370m2. Năm 1995 kiến tạo vườn Lộc uyển với tượng Phật Thích Ca ngồi lộ thiên, cao 3m70 .
Trong năm 1966 Thượng tọa Thích Từ Hương có thỉnh từ phường đúc Huế về chùa 1 Đại Hồng Chung đường kính 58 cm ; cao 1m15 . Đại Hồng chung tuy nhỏ nhưng âm thanh trầm ấm ngân rất lâu . Ngoài ra chùa còn có một số di vật quý như tượng Phật Chămpa bằng sa thạch, cùng nhiều tượng và chuông, mõ khác.
Được sự cho phép của các cấp chính quyền địa phương, hiện nay chùa đang đại trùng tu trở lại, bắt đầu từ ngày 30/12/2003 (tức ngày 8/12 năm Quý Mùi). Sau khi hoàn thành những hạng mục của lần đại trùng tu này, chùa Bửu Minh sẽ là một công trình kiến trúc hiện đại, hoành tráng. Diện tích Chánh điện mới 520 m2, cao: 47m25. Tuy còn đang thi công xây dựng và kết cấu bằng bê tông, cốt thép , nhưng ta vẫn thấy được mái chùa uốn cong mềm mại , tổng thể có nét giống với truyền thống kiến trúc chùa Nhật Bản, có dáng dấp mái nhà rông cao nguyên .
Chùa Bửu Minh - chùa Biển Hồ Trà - một trong những ngôi chùa được hình thành sớm trên cao nguyên Pleiku hiện nằm giữa một vùng bạt ngàn chè, mặt quay về hướng tây, lưng dựa núi Tiên Sơn, bên trái chùa là dòng sông chảy về Hồ Ia Nueng ( Biển Hồ nước ), bên phải chùa là dãy núi cao hùng vĩ. Xa khu dân cư , trong khung cảnh êm đềm, tịch lặng giữa khuôn viên 5.402m2
Chùa là một địa chỉ thân thuộc của Phật tử Pleiku và khách thập phương.


Pleiku ngày 01 tháng 08 năm 2005


TS . NTKV


Địa chỉ: Thôn 01, Xã Nghĩa Hưng,
Huyện Chưpăh, Tỉnh Gia Lai.
Điện thoại: 0905.146835
Email : thichgiactam@gmail.com

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2008

NHỮNG HẠT ĐẬU BIẾT NHẢY


NHỮNG HẠT ĐẬU BIẾT NHẢY

LÂM THANH HUYỀN


Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên. Cuối cùng thì bà được một người hành hương tốt bụng truyền cho một câu thần chú của Quán Thế Âm Bồ Tát. Câu thần chú gồm có sáu chữ Án Ma Ni Bát Di Hồng được gọi là Lục Tự Đại Minh Chú, có thể dùng để giải trừ những nghiệp chướng. Tội nghiệp cho bà già thôn dã đã dốt nát lại không biết chữ, trên đường về nhà bà lẩm bẩm cố học thuộc lòng, nhưng đã nhớ lộn cách phát âm trở thành Án Ma Ni Bát Di Xanh.
Để khích lệ cho việc đọc câu kinh sám hối này bà bày ra hai cái chén, một cái chén không, còn một cái thì để đầy những hạt đậu nành. Mỗi khi đọc xong một câu thần chú, bà nhặt một hạt đậu từ trong chén đầy bỏ sang cái chén không, đến khi cái chén không đã chứa đầy đậu thì bà làm ngược trở lại. Bà lão đã không ngừng nghỉ, thành tâm tụng niệm suố
t 30 năm. Lòng thành kính của bà đã ứng hiện cho nên sau này những hạt đậu không còn cần đến bàn tay của bà nhặt lấy, cứ một câu thần chú vừa được phát âm ra thì một hạt đậu tự động nhảy sang cái chén bên cạnh. Bà lão thấy những hạt đậu tự động nhảy nhót, cộng hưởng với âm điệu của câu thần chú thì biết rằng sự tu hành đã đúng đường và giai đoạn sám hối sắp sửa chấm dứt cho nên bà càng phấn khởi tụng niệm hăng say hơn.
Hôm nọ có một vị cao tăng từ Tây Tạng vân du qua đó, khi đi ngang qua chiếc lều tranh lụp sụp của bà, nhà sư thấy có ánh hào quang tỏa ra rực rỡ. Vị cao tăng này lấy làm kinh ngạc, ông nghĩ rằng bên trong chiếc lều tranh thế nào cũng có một vị chân tu đắc đạo. Ông vội vã ghé vào thăm hỏi. Bà lão lấy làm vui mừng khi thấy vị cao tăng đến thăm, bà quỳ xuống đảnh lễ, mà miệng thì vẫn cứ tiếp tục lẩm bẩm câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Xanh. Vị cao tăng lấy làm ngạc nhiên vì không hiểu ánh hào quang rực rỡ mà ông thấy phía bên ngoài phát xuất từ nơi đâu? Ông lần lần hỏi thăm :
- Chẳng hay nữ thí chủ tu luyện bao nhiêu năm rồi? Ở đây còn có ai khác nữa không?.
- Thưa ngài, ở đây chỉ có một mình tôi sống cô độc hơn ba mươi năm nay. Bà lão đáp.
- Thật tội nghiệp, bà ở một mình chắc buồn lắm nhỉ ?
- Không đâu, tuy chỉ ở một mình nhưng hàng ngày tôi tu hành và tụng kinh sám hối để kiếp sau có thể hưởng được nhiều phúc đức của kiếp này, nhờ vậy mà tôi không cảm thấy buồn khổ. Nhất là từ lúc được một người hảo tâm chỉ cho cách tu luyện thì tôi càng có can đảm để sống hơn.
- Bà đang tu luyện kinh sách nào vậy ?
- Ồ, tôi không biết chữ, cho nên chỉ tụng niệm duy nhất một câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Xanh.
Nhà sư thở dài tiếc nuối :
- Bà lão ơi, bà đã đọc sai câu thần chú đó rồi, phải phát âm là Án Ma Ni Bát Di Hồng mới đúng .
Đến lúc này thì bà lão mới biết là đã đọc sai câu thần chú hơn ba mươi năm. Bà rất đau buồn vì sự nhầm lẫn trọng đại này, như vậy thì công trình 30 năm tụng niệm coi như xe cát biển đông. Tuy nhiên bà cũng cảm ơn sự cải chính của nhà sư.
- Dù sao thì ngài cũng đã đính chính kịp lúc, bằng không thì tôi còn tiếp tục sai mà không biết cho đến bao giờ mới điều chỉnh cho đúng được.
Nhà sư từ giã bà lão để tiếp tục con đường truyền đạo của ông. Bà lão lại tiếp tục công việc tụng niệm của bà mà lần này với câu thần chú mới Án Ma Ni Bát Di Hồng. Thế nhưng tâm tư của bà còn hỗn độn vì sự việc vừa rồi cho nên ý chí của bà không được tập trung. Mỗi câu thần chú của bà đã không còn làm cho những hạt đậu hứng khởi nhảy sang cái chén bên cạnh như lúc trước. Bà lão vừa tụng niệm mà nước mắt cứ tuông rơi, bà thầm tiếc cho công trình tu luyện hơn ba mươi năm như trôi theo dòng nước vì đã đọc sai câu thần chú.
Nhà sư đi được một đỗi xa, ông ngoái đầu nhìn lại thì thấy căn nhà của bà lão không còn hào quang chói sáng. Bây giờ túp lều tranh hiện hình dột nát mà lại âm u buồn bã. Nhà sư giật mình và nghĩ rằng chính ông đã làm hại người Phật tử này không còn tập trung được tư tưởng như lúc trước. Ông vội vã trở lại túp lều tranh và nói với bà lão rằng :
- Lúc nảy ta chỉ đùa với bà thôi, câu thần chú của bà tụng mới thật là đúng.
- Nhưng tại sao sư phụ lại dối gạt tôi như vậy?
- Ta muốn thử xem lòng thành kính của bà đối với Tam Bảo như thế nào vậy thôi. Từ nay về sau bà cứ tiếp tục tụng niệm y như cũ là phải phép rồi .
- Cám ơn Phật, vậy mà con cứ tưởng rằng công lao 30 năm tụng niệm đã trôi theo dòng nước, đa tạ sư phụ chỉ bày.
Sau khi nhà sư ra đi, bà lão lại tiếp tục công việc tụng niệm, mỗi một câu Án Ma Ni Bát Di Xanh được niệm ra thì tâm hồn bà rộn rã tươi vui và một hạt đậu tự động nhảy sang cái chén bên cạnh. Nhà sư đi lên đến đỉnh núi, ông ngoái đầu nhìn trở lại thì thấy hào quang phát ra từ túp lều tranh của bà lão đã làm sáng rực cả một góc trời.
Trên đây là một câu chuyện đã được lưu truyền rất rộng rãi trong thế giới Phật Giáo, tôi chỉ sửa đổi lại một vài chi tiết nhỏ. Nhớ lại lần đầu tiên khi đọc xong câu chuyện này, tôi rất lấy làm cảm động. Cảm động vì tấm lòng thành kính của bà lão đối với Tam Bảo. Câu chuyện này nói lên rằng âm điệu của thần chú tuy rất quan trọng, thế nhưng lòng thành kính, sự tín ngưỡng, và ý chí chân thành trong lúc niệm thần chú còn quan trọng hơn nhiều.
Thật ra sáu chữ trong Lục Tự Thần Chú này khó có thể lấy một từ ngữ nào để diễn đạt cho được trọn vẹn ý nghĩa. Miễn cưỡng thì ta có thể hiểu được đại ý là “ Cầu xin tự tâm thanh tịnh, liên hoa Phật nở rộ trong lòng”. Từ chỗ này chúng ta thấy rằng triết lý nhà Phật luôn cho rằng khi muốn tâm hồn đạt được sự thanh tịnh, tất cả phải do sự tự phát từ đáy lòng của con người mà ra. Khi bà lão tụng Lục Tự Thần Chú, tâm địa của bà trong sạch, quang minh lỗi lạc như bầu trời không vướng bận một áng mây, vì vậy mà cách phát âm đúng hay sai của câu thần chú lúc đó không còn là một yếu tố quan trọng. Dĩ nhiên, đối với những người phàm phu tục tử chúng ta khi mà sự chân thành tôn kính chưa đạt đến một trình độ có thể làm cho những hạt đậu nhảy được thì âm điệu chính xác của thần chú và kinh kệ hãy còn là một quy luật phải được thực thi đúng đắn.
Hiện nay Lục Tự Thần Chú của Quán Thế Âm Bồ Tát đã trở thành một câu chân ngôn được phổ biến rộng rãi trong thế giới Phật Giáo. Tuy nhiên rất ít người biết được nguồn gốc của câu thần chú này. Nếu như chúng ta biết được rằng Lục Tự Thần Chú đã nở ra từ hàng ngàn mảnh xương sọ của Quán Thế Âm Bồ Tát thì chắc chắn chúng ta sẽ ngạc nhiên và rúng động hơn nữa.
Quán Thế Âm Bồ Tát là một đệ tử của Đức Phật A Di Đà, ngài đã phát nguyện trước Đức Phật Đà một lời thề vĩ đại : “Tận hết sức lực, thần thông để phổ độ tất cả chúng sinh. Nếu như còn một chúng sinh nào chưa được siêu thoát, đệ tử sẽ quyết không thành chánh quả. Nếu như tất cả chúng sinh chưa siêu thoát mà đệ tử nửa đường bỏ cuộc, thì xương sọ của đệ tử sẽ nứt vỡ thành muôn ngàn mảnh”.
Sau khi lập xong lời trọng thệ, Quán Thế Âm Bồ Tát đã ứng hiện tất cả mọi thần thông, hóa thân thành trăm, ngàn, vạn hình hài cứu độ được vô số chúng sinh. Trải qua vô lượng kiếp luân hồi, chúng sinh được độ đã nhiều như Hằng Hà sa số. Thế nhưng khi nhìn lại thế gian, ngài vẫn thấy hãy còn thiên vạn chúng sinh đang ngụp lặn trong si mê trầm luân, trụy lạc; vẫn hãy còn vô số chúng sinh đang chịu những khổ nạn tai ách; và những chúng sinh đang tạo ác nghiệp cũng đông như cỏ kiến. Từ đó ngài suy diễn ra, nếu cứ tiếp tục luân hồi mãi mãi, thì nỗi đau đớn của chúng sinh sẽ còn tái diễn liên miên, sự việc độ trì chúng sinh do đó sẽ không bao giờ chấm dứt. Nghĩ đến đây, Quán Thế Âm Bồ Tát cảm thấy phiền não. Ngài nghĩ rằng “ Cái khổ của chúng sinh là do chúng sinh mà ra. Khi thế gian còn tồn tại thì nỗi khổ của chúng sinh sẽ không bao giờ chấm dứt mà ta thì sẽ không bao giờ độ cho hết được. Lời thề ngày nào là do ta tự làm khổ lấy ta thôi. Nếu như đối với chúng sinh không có ích lợi, thì ta còn kiên trì với lời thề làm chi ?”.
Thương thay, khi ý nghĩ thối lui của Quán Thế Âm Bồ Tát vừa chợt xuất hiện thì lời thề của ngài tức thì phản ứng. Xương sọ của ngài tự nhiên nứt vỡ thành muôn ngàn mảnh, tản mác ra như một đóa hoa sen trăm cánh. Đồng thời Phật A Di Đà cũng từ trong chiếc sọ rạn nứt này hiện thân, ngài nói với Quán Thế Âm Bồ Tát rằng :
“Thiện tai Quán Thế Âm, lời thề không thể bỏ, nuốt lời là đại tội. Những việc thiện trước đây, đều trôi theo dòng nước. Khuyên ngươi tiếp tục tu, nguyện ước tự nhiên thành. Tam thế cùng thập phương, chư Phật cùng Bồ Tát sẽ hết sức giúp cho, thành công đã đến gần”.
Sau đó Đức Phật A Di Đà đã truyền cho ngài khẩu quyết Lục Tự Thần Chú. Quán Thế Âm Bồ Tát sau khi nghe niệm Lục Tự Chân Ngôn, ngài đạt được đại trí tuệ, sinh đại giác ngộ, và tiếp tục giữ lấy lời thề mà không lùi bước. Chúng ta biết rằng Quán Thế Âm Bồ Tát Đại Từ Đại Bi, là vị Bồ Tát có thiên thủ thiên nhãn, cứu khổ cứu nạn, linh cảm, linh ứng, năng lực của ngài có được là nhờ vào quyền năng Lục Tự Chân Ngôn của Phật A Di Đà truyền cho. Cũng từ sự tích này mà Lục Tự Chân Ngôn còn được gọi là Quán Thế Âm Tâm Chú.
Đây là một huyền thoại rất cảm động, não bộ nứt ra trăm ngàn mảnh của Quán Thế Âm Bồ Tát nở thành đóa hoa sen ngàn cánh. Đó chính là sự tượng trưng đẹp đẽ nhất của Lục Tự Chân Ngôn. Trong số chúng sinh chúng ta, có bao nhiêu người nuôi được ý chí hủy hoại thân xác phàm trần hiện hữu thành tro bụi, để nuôi dưỡng cho một đóa hoa sen được ung dung nở trong tim óc mọi người.
Nhớ lại lần đầu tiên khi nghe xướng Âm Lục Tự Chân Ngôn, thanh Âm trầm hùng, trang nghiêm, đơn thuần, thanh tịnh đó đã khiến cho tôi cảm động rơi nước mắt. Có thể nói rằng trên thế gian không có một thanh âm nào dõng dạc, tràn đầy lực lượng như câu thần chú này. Thật là :
Một tấm lòng trong sáng
Hoa sen nở rộn ràng,
Sen nở vùng đất sạch,
Trên ngự một Như Lai.

Chú thích :
1- Án Ma Ni Bát Di Hồng ( Phát âm theo Phạn Ngữ : OM, MANI PADME, HÙM) : Câu thần chú trên đây đã được phổ biến rộng rãi trong thế giới Phật Giáo, nhất là trong phái Mật Tông vùng Tây Tạng. Người ta luyện câu thần chú này như một phương thức rèn luyện nội công thiền định. Trước hết, tìm một nơi không khí lưu thông, đứng thẳng người, hai tay lật ngữa để ngang bụng, bàn tay trái đặt trên lòng bàn tay phải. Bắt đầu hít vào lồng ngực một hơi thật dài, khi lồng ngực đã chứa đầy dưỡng khí thì mở miệng thở từ từ đồng thời phát ra Âm thanh Án và tưởng tượng như luồng chân khí đang ở đỉnh đầu, kế tiếp theo phát Âm Ma và cố gắng đưa luồng hơi đến mũi. Tiếp theo đến Âm Ni thì luồng hơi được chuyển xuống đến cổ họng. Tương tự đến Âm Bát thì luồng hơi được đưa đến lồng ngực, Âm Di thì chân khí trong người đã được đưa đến đan điền (bụng), tiếp tục đến Âm Hồng thì luồng hơi được chuyển đến hậu môn và thoát ra bên ngoài cơ thể. Nên nhớ là trong lúc sáu chữ trong câu thần chú này được phát Âm thì luồng hơi của cơ thể đang ở trong trạng thái thở ra. Sau đó, sự tập luyện bắt đầu tái diễn bằng cách hít hơi vào lồng ngực... Với hình thức vừa đọc thần chú vừa vận dụng đưa làn hơi trong người tuần hoàn khắp châu thân rồi thoát ra ngoài cơ thể sẽ khiến cho cơ thể con người được giữ ở một trạng thái sạch sẽ và minh mẫn. Những lúc cơ thể mệt mỏi hoặc tinh thần cảm thấy bồn chồn không được an tâm, quý vị có thể thực hiện như lời chỉ dẫn trên đây để lấy lại được sự bình thản trong tâm hồn.
2- Tam Bảo : Phật Pháp Tăng gọi chung là Tam Bảo, Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn. Pháp là lời của Phật dạy hay còn được ghi chép lại thành kinh điển. Tăng là người tu hành, có nhiệm vụ diễn dịch và giảng dạy những ý nghĩa trong kinh điển cho tín đồ.
3- Hằng Hà sa số : Hằng Hà là tên một con sông lớn của xứ Phật Ấn Độ. Hạ lưu dòng sông này cũng là nơi Phật Giáo khai sinh và phát triển. Phù sa sông Hằng nhiều vô số kể và đã nuôi dưỡng không biết bao nhiêu dân chúng Ấn Độ. Vì vậy, kinh điển Phật Giáo thường dùng số lượng phù sa của sông Hằng để nói lên cái số nhiều không đếm xuể được.
4- Hiện thân A Di Đà Phật : Từ sự tích trên đây, mà bây giờ những hình tượng của Quán Thế Âm Bồ Tát đều đội mão, và chính giữa chiếc mão có một tượng Phật A Di Đà. Đây cũng là cách nhìn vào để phân biệt giữa Quán Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát.
5- Thập Phương : Từ chữ Thập phương thế giới, thập phương chỉ đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, trên và dưới. Phật giáo chủ trương có thập phương vô số thế giới gọi là Thập phương thế giới. Trong số thế giới đó có chư Phật và chúng sinh nên còn gọi là Thập phương chư Phật và Thập phương chúng sinh.

THƯ MÙA VU LAN


Thầy kính thương của con !
Thấm thoát mà ngày tháng qua mau , con đi xa đã gần ba tháng và một mùa hạ nữa cũng sắp đi qua . Trời vào thu thật buồn , nắng hiu hắt, gió heo may báo hiệu lễ Vu Lan đã về . Tâm trạng của đứa con xa nhà nào có khác gì một kẻ mồ côi, chiều xuống sao nghe lòng buồn chi lạ!
“ Đoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”
Con ngồi đây mà hồi tưởng lại những tháng ngày đã qua. Mỗi mùa Vu Lan về , con thường hay dắt mấy nhỏ đến chùa để được ngắm nhìn khuôn mặt rạng rỡ của các con khi được cài lên áo cánh hoa hồng . Và riêng con đắm mình trong lời kinh tiếng mõ mà nghe thấm thía lời Phật dạy : “Phận con gái còn nương cha mẹ…” Nghĩ lại về mình con thấy từ bao giờ con luôn sống trong tình yêu thương vô bờ bến của má và chị , mà con thì chưa báo đáp được gì . Chỉ làm cho má và những người thân yêu luôn lo lắng cho con, má con không hề đòi hỏi con phải làm gì cho má , chỉ mong được có con ở gần bên được nghe con nói, được thấy con cười là má đã vui lắm rồi . Một ước muốn giản đơn như vậy nhưng con đâu có làm được. Nhiều lúc con cứ tự hỏi : Vì ai , vì cái gì mà con tự đánh mất đi hạnh phúc của chính mình ? Con sống ở nơi đây nhưng tâm tư tình cảm thì luôn hướng về những hình bóng thân yêu ở quê nhà.Nên rốt cuộc thì con đã tự làm khổ lấy mình và cũng làm khổ lây đến bao nhiêu người khác . Biết rằng như vậy là quá khổ, nhưng mà mãi con vẫn chưa tìm được cách vượt thoát ra ngoài nỗi khổ ấy được .
Ơ ! nhưng mà sao khi không con lại kể lể tùm lum như vậy , làm cho Thầy cũng bị buồn lây luôn rồi , nhưng ai biểu Thầy là Thầy của con làm chi, để cho mỗi khi có chuyện buồn vui gì con cũng đều nhớ đến Thầy và muốn đem kể cho Thầy nghe . Con rất mong những lời khuyên bảo dạy dỗ của Thầy .
Thầy ơi dạo này sức khoẻ của Thầy ra sao ? Chùa của mình và cả Thầy nữa có gì vui không , chị Hai của con có thường về chùa thăm Thầy không ? Có thường nhắc nhở gì đến con không ? Hay thời gian qua đi đã làm vơi luôn nỗi nhớ niềm thương của mọi người đối với con rồi ?
Dạo này mấy đứa nhỏ nhà con đã đi học lại rồi, còn con thì cũng chuẩn bị đi học. Nghĩ đến chuyện học sao mà con cảm thấy ngán quá ,tiếng Dan rất khó nói, khó hơn tiếng Anh nhiều , nhưng không học thi đâu có được, con thấy ngán học . Chứng tỏ là con đã già rồi đó phải không Thầy ? Nhưng thôi phải cố gắng chứ kể lể với Thầy , thầy cũng đâu giúp gì đuợc cho con . À ! mấy chú điệu nhỏ của chùa, mùa hè này có về chùa ở thường xuyên để làm rộn cho Thầy không ? Thầy có nhận cho mấy chú ở luôn và có nhờ chị Tiến giúp đỡ không ? Con nghĩ là Thầy phải nhận đệ tử vào rồi đó , chứ mai này Phật pháp ai lo . Con lại nhiều chuyện nữa rồi , Thầy đừng có mắng con nha ! nhưng mà cứ nghĩ đến cảnh chùa mình nằm ở nơi vắng vẻ, mà Thầy lại có một mình. Dù biết rằng bây giờ Thầy vẫn đang còn khoẻ nhưng ai biết được những khi trái gió trở trời, Thầy sớm khuya chỉ có một mình. Con cứ thấy lo lo trong lòng Thầy ơi!
Bạch Thầy ! Con đi xa không được ở gần để chăm sóc cho má con được, đành phải nhờ vào chị Hai . Con xin gởi má con cho Thầy nha, nếu có chuyện gì chị Hai con sẽ rất lúng túng , nhờ Thầy hỗ trợ cho chị. Nếu có lúc nào có dịp qua Pleiku, mà thầy có được chút ít thời gian rảnh rỗi xin Thầy hãy ghé nhà con một chút , nói chuyện với má con để má con được vui Thầy nha :
“Bảy mươi tuổi rồi mẹ có biết
Chuối chín trên buồng gió thoảng từng cơn
Nắng mưa, ấm lạnh , lòng con sợ
Thời gian có chờ cho con đền ơn ?”
Thầy ơi ! Thầy có biết không ? Có những đêm con nằm mơ thấy con và chị Hai chuẩn bị để đi thăm Thầy , nhưng sữa soạn xong rồi , sắp được gặp Thầy bỗng dưng giật mình thức giấc . Vậy là không được gặp Thầy làm con tiếc ngẩn tiếc ngơ , tức gì đâu ! Nhưng biết bắt đền ai đây, mấy lần như vậy rồi đó, thật là tiếc Thầy nhỉ? Chắc Thầy đang cười con đó phải không ? Chuyện trong mơ mà cũng …
Khi thư này đến tay Thầy, chắc lễ Vu Lan đã qua rồi . Dù vậy con cũng xin kính chúc Thầy một mùa Vu Lan hạnh phúc và an lạc . con xin tặng Thầy một đoá hồng thắm như tình cảm của Thầy trò mình và con cũng kính dâng lên Thầy một đoá hồng trắng để “tưởng rằng mẹ vẫn bên ta , mẹ vẫn thương ta” .
Danmark, ngày 05 tháng 08 năm 2000
Phật tử Thường Duyên

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2008

VĂN KHẤN NGUYỆN-AN VỊ NGỌC XÁ LỢI




Các con thương yêu !


Khi còn nhỏ Thầy đã có tính quan sát, đối chiếu, so sánh, bởi vậy khi đi xuất gia rồi, tính đó còn lớn mạnh hơn. Đi đây đi đó nhìn các ngôi giáo đường của tôn giáo bạn, cao chất ngất, kiến trúc nguy nga đồ sộ, theo phong cách kiểu dáng của phương tây, nằm giữa phố thị đông đúc cư dân. Còn các ngôi chùa Phật giáo, nằm khuất sâu trong núi, nếu ở thành phố thì nằm sâu trong hẻm, xây cất tạm bợ, diện tích sinh hoạt rất hẹp,eo sèo. Nói lên cái nghèo cái thân phận của kẻ luôn bị bỏ rơi. Mặc dù trong lịch sử quá khứ, Phật giáo đã có những thế kỷ vàng son đóng góp rất lớn cho nền văn minh, văn hoá Việt. Chính từ ý niệm đó Thầy ao ước và ôm ấp một hoài bão : Rằng sau này mình sẽ cố gắng tu tập, đem cả thân tâm sức lực mình để xây dựng một ngôi Tam Bảo (dễ hiểu là ngôi chùa), thật to lớn, tiêu biểu cho kiến trúc đặc thù của đạo Phật, để đền đáp thâm ân của chư Phật, Thầy Tổ. Ngôi chùa đó phải cao, phải lớn rộng, khi vô tới đầu làng đã thấy ngôi tháp cao, có mái ngói đỏ in trên nền trời xanh có mây trắng bảng lảng chập chờn trên mái tháp. Buổi chiều có tiếng đại hồng chung, buông từng chuỗi âm thanh trầm hùng nhắc nhở, thức tỉnh những ai còn chấp chới lặn hụp trong cõi ảo mộng, mơ màng. Thầy không thích những áng văn chương cổ ca ngợi ngôi chùa lẩn khuất trong hóc núi, mái ngói rêu phong, khiêm tốn ẩn mình trong luỹ tre xanh, bốn mùa tịch mịch, có sư già ngày ngày cầm chổi quét lá đa. Thầy muốn đạo Phật phải nhập thế, phải hoà quang đồng trần, có nghĩa là phải lăn xả vào thế gian lắm bụi trần này để đem tuệ giác của đạo Phật chiếu dọi vào mọi lãnh vực của đời sống, chia xẻ những vấn nạn lớn của xã hội, của thời đại, nhiều vấn đề nan giải hôm nay. Nguyện ước của thầy đã được Chư Phật, chư Thiên ,và quần chúng Phật tử xa gần hộ niệm, giúp đỡ, tháp báu ba tầng để tôn thờ Xá Lợi Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đã xong, đã có nơi an trí phụng thờ Xá Lợi Ngài mà không có giá trị vật chất nào ở thế gian có thể đem so sánh.
Nơi đây xin tâm thành cảm tạ Ni Sư Như Hoa, trụ trì Chùa Vĩnh Phước, thành phố Hồ Chí Minh, đã phát tâm cúng dường Xá Lợi Đức Phật, cho chùa Bửu Minh Gia Lai phụng thờ, một báu vật vô giá mà Ni Sư đủ duyên phước thỉnh được từ các vị cao tăng nước ngoài .
Bài văn khấn nguyện này được viết để khấn nguyện trong ngày lễ an vị Ngọc Xá Lợi tại chùa Bửu Minh , dưới sự chứng minh của Đại lão Hoà thượng Thích Phước Thành ( thường gọi là HT Thiên Phước ), Hoà Thượng Thích Thiện Nhơn, cùng các Chư Tôn Đức Tăng Ni của ba tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.
Thích Giác Tâm
( Trụ Trì Chùa Bửu Minh )


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

LỜI KHẤN NGUYỆN


Đức Phật giáng thế chúng con còn ở trong cõi hỗn mang tăm tối nào đó,Khi được làm thân người thì Ngài đã diệt độ.Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp chúng con chỉ hình dung được qua trang Sử, trọn kiếp luân hồi chúng con không hề dám nghĩ tưởng rằng một lúc nào đó trong đời chúng con lại được chiêm bái đảnh lễ phần tinh túy nhất của thân thể Ngài, mà chúng con thường gọi là Ngọc Xá Lợi .Phước mỏng ,Nghiệp dày, dòng Nghiệp dã đưa đẩy chúng con lao vào Vô Minh tội lỗi, tưởng không thể nào còn nhìn được tận tường gương mặt đẹp như vầng nguyệt của Đức Như Lai. Vậy mà nhân duyên phước đức nào còn sót lại lần đầu tiên trong đời lại được chiêm ngưỡng lễ bái Xá Lợi của Đức Thế Tôn .Ngay giây phút thiêng liêng này

chúng con đem năm vóc sát đất cung kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, ngưỡng mong Đức Thế Tôn thương xót gia hộ cho chúng con, xa rời biển khổ lầm mê

tinh tấn tu hành, tâm Bồ Đề mỗi ngày mỗi lớn, có được an lạc và chia xẻ niềm an lạc của Chánh Pháp đến với mọi người, mọi loài chúng sanh.

Tháp báu ba tầng chúng con xây dựng lên là để tôn thờ Đức Thế Tôn, để nói lên tấm lòng chí thành chí kính của chúng con đối với Ngài,

ngay giờ phút thiêng liêng này, trái đất một lần nữa hân hoan chuyển động,muôn loài đang hướng về Kim Thân-Xá Lợi Ngài kính ngưỡng Quy Y.

Chúng con đem tất cả thân tâm thanh tịnh hướng về Ngài mà nương tựa, nguyện trọn đời theo Đức Thế Tôn mà tu tập, không một điều ngăn trở nào để Tâm Bồ Đề của chúng con lui sụt . Xin Đức Thế Tôn chứng minh cho lời phát nguyện của chúng con .


Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát, Tác Đại Chứng Minh .

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2008

PHỎNG VẤN TRINH CÔNG SƠN


"PHẢI BIẾT SỐNG HẾT MÌNH TRONG
MỖI SÁT NA CỦA HIỆN TẠI"

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn



LÀ NGHỆ SĨ VÀ LÀ MỘT PHẬT TỬ, TRỊNH CÔNG SƠN CÓ CÁCH CẢM NHẬN VỀ PHẬT GIÁO CỦA RIÊNG MÌNH. THEO CÁCH CẢM NHẬN ĐÓ, TRIẾT LÝ ĐẠO PHẬT ĐÃ ĐI VÀO THẾ GIỚI THANH ÂM VÀ LÀM NÊN MỘT TRONG NHỮNG NÉT RIÊNG CỦA "DÒNG NHẠC TRỊNH". NHỚ VỀ ANH, NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ THÁNG 04 - 2001 XIN TRÍCH LẠI NHỮNG CẢM TƯỞNG ĐỐI VỚI ĐẠO PHẬT MÀ ANH ĐÃ TỪNG PHÁT BIỂU.


* Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã học kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt được, còn có lời kinh kệ vô tình năm ở đấy.
* Không hiểu sao, những năm gần đây, tôi thường nghĩ về Phật giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng nằm ngồi. Không làm công việc này mà nghĩ đến công việc khác. Với tôi, đó cũng là Thiền, là một cách sống đích thực. Tôi vẫn tiếp tục thực tập cách sống như thế hàng ngày.
Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là một thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi.
* Với tôi, Phật giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.
* ... Tôi không quan niệm tìm đến với Phật mà là trở về với Phật tính trong cõi riêng mình. Đó là quê hương, là chiếc ngai Phật. Tôi ngồi, Phật sẽ tràn ngập tôi và tôi sẽ tràn ngập Phật. Như một cơn lũ dũng mãnh đầy phù sa, mang theo trong nó những gì có thể nuôi dưỡng được cho một cõi "Ngộ" ra đời. "Thấy" và "Biết" và từ đó làm nảy sinh một nụ cười tủm tỉm, một thoáng cười hàm tiếu mà La Joconde của Léonard de Vinci mới có thể trong muôn một so sánh được.
* Cuối năm 1995, tôi có viết được một bài hát mà tôi rất thích và bạn bè ai cũng thích. Đó là bài "Sóng về đâu". Bài này lấy cảm hứng từ câu kệ: "Gaté Gaté. Paragaté. Parasamgaté. Bodhi svaha".
* Tôi đang đi tìm một cách biểu hiện mới. Muốn vậy, khi sáng tác, tôi phải lãng quên hiện hữu này để đi vào một thực tại, một thực tại phiêu bồng, ở đó không có những xung đột trần tục của chữ nghĩa và những lý luận ngõ cụt không đâu.
Tôi đang tập hành Thiền về sự lãng quên. Lãng quên những gì không cần thiết cho đời và cho chính bản thân mình.


Khải Thiên phỏng vấn


Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

tờ bạc đông dương




Theo luật vô thường của nhà Phật, cõi này là cõi tạm, mọi hiện tượng đều luôn biến dịch đổi dời. Tất cả rồi đều chỉ là kỷ niệm, mà kỷ niệm thường là hoàng kim, là đẹp. Một kỷ vật , một bài thơ, một đồng bạc cũ, một chiếc lá khô ép trong vở học… đôi khi kéo ta về với ký ức xa xăm. Nơi có phần mộ ông bà cha mẹ, nơi có cây đa bến nước, con đò, nơi có người bạn hồi còn để chỏm…Dạo một vòng blog phật giáo, bắt gặp blog lưu giữ những đồng bạc cũ thời thuộc Pháp, nhớ lại tuổi thơ của mình, ngày xưa còn nhỏ tính hay lục lạo tìm trong ngăn tủ mẹ có tờ bạc gánh dừa, mà các cụ hồi đó gọi tờ bạc gánh dưa. Xin mẹ cho được và mẹ thì có tiếc gì, mẹ cho con tất cả cuộc đời mẹ, hy sinh tất cả cho đàn con. Có được thân này để hiện hữu khổ vui trong cuộc đời, để đi tu, làm chút đỉnh việc Phật , cũng từ nơi mẹ mà có. Cảm ơn tờ bạc năm xưa vẫn còn loà xoà trong nỗi nhớ, cảm ơn người đã sưu tầm góp nhặt các tờ bạc đông dương thuộc Pháp, cảm ơn đời đã tặng một niềm vui. Xin được đưa những tờ bạc xa xưa vào blog chùa Bửu Minh để làm quà cho thân hữu xa gần. Các hoa văn hoạ tiết trong tờ bạc cũ có khi cần cho công việc trang trí chùa chiền, làm đẹp cho cuộc đời qua bàn tay khối óc con tim của những nghệ nhân - Thâm tạ - Giác Tâm .
Tiền giấy cũ xứ Đông Dương
Lang thang trên mạng tình cờ bắt gặp đồ quý, ảnh của một bộ tiền giấy cũ phần lớn do Banque de L'Indo Chine phát hành, thấy khá lạ nên đem về cho pà con xem cho biết. Bài này do blogger Phạm Minh Phúc (ns: 20/01/1983), một du học sinh tại Pháp sưu tầm từ nhiều nguồn.
Chủ yếu được chụp lại qua ống kính của 04 nhà nhiếp ảnh (1) bác sĩ Hocquard người đã đến Đông Dương từ 1884-1885, (2) ông Louis Anducci chụp năm 1949, (3) ông André Frassati chụp năm 1955-1956 và ông Pierre Dieulefils. Những tấm ảnh này được lưu trữ tại nhiều nơi ở Pháp như trong mỗi Cục, Bộ của chính quyền, Thư viện quốc gia, Sở Địa dư Paris và Trung tâm dữ liệu thuộc địa ở số 6, Gaston de Saporta, 13100 Aix-en Provence, France.
Đây là một tư liệu khá hấp dẫn cho những người thích tìm hiểu về lịch sử xưa gồm 47 tấm hình rất rõ nét, tiếc là Phúc không có được phần chú thích chi tiết cho từng đồng tiền một (năm phát hành, phạm vi lưu hành, năm chấm dứt phát hành, loại giấy, kỹ thuật in...)
3..2..1... and showtime (Source: http://www.ngoisao.net/)
Tags: tờ bạc đông dương

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2008

BÀI THƠ MÙA HẠ

Đinh Hoành Sơn còn có bút danh Đinh Vũ, gốc người Huế , sống cùng với vợ con tại Pleiku - Gia Lai nhiều năm, hiện định cư tại Hoa Kỳ. Anh là một con người tài hoa, tâm đạo nhiệt thành, về già mắc bệnh mất trí nhớ. Thời còn trí nhớ anh có tặng tôi một số bài thơ, trong số đó tôi thích nhất là bài “ BÀI THƠ MÙA HẠ” tôi ngâm đi ngâm lại và lưu được trong bộ nhớ của mình, còn một số bài khác bỏ thất lạc đâu đó. Thơ anh như con người của anh: Tứ thơ thì sâu xa uyên áo, lời thì thơ mộng, từ dùng cách tân khám phá rất lạ. Nghĩ vậy nên lưu lại bài thơ này ở trang nhật ký cá nhân mình, để người thân con cháu anh có dịp đọc lại chất văn thơ của cha ông mình như vậy, và thơ văn hay của người nay,sẽ đóng góp thêm cho nền văn học Việt Nam đương đại .Anh đã già và bệnh tật, cái ngày anh ra đi vào cõi khác cũng không xa lắm. Coi bài thơ này như di cảo của anh, đăng lên đây để kỷ niệm một tình bạn vong niên.
BÀI THƠ MÙA HẠ
Thương kính tặng thầy Giác Tâm
Băng Tâm !
Em là ai hỡi Băng Tâm ?
Mắt môi tay thả bềnh bồng mây trôi
Em làm men rắc trắng chiếu ngồi
Mỗi đơn tử nở một đồi bông lau
Gương trong ánh hiện sắc màu
Vết chân hưng phế vết đau tím bầm
Con đường đời mở cong cong
Xoáy cơn lốc lớn lửa lòng thầm reo
Thị thành một sớm phai eo
Tóc xanh giũ lại cho bèo trôi sông
Băng Tâm !
Bây giờ mở cánh cửa Không
Trái tim đương xứ còn rung chuyển hoài
Ô hay mình vẫn rong chơi
Mình mây mưa với mọi người mây mưa
Nhớ em chút nhớ không ngờ
Hốt nhiên hàng phượng cũng vừa nở hoa.

Hoa Kỳ ngày…tháng… năm 1986
Đinh Hoành Sơn

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2008

VU LAN MÙA BÁO HIẾU

HẠC TRẮNG XA KHƠI


Mẹ thương! Mười hôm rồi con nhịn ăn, chỉ uống nước trong thôi. Con của mẹ bệnh nhiều quá, nên thỉnh thoảng cứ phải nhịn ăn để trị bệnh. Tháng này ở xứ mình là mùa mưa dầm, bầu trờ luôn âm u xám đục. Mấy hôm rày lại có áp thấp nhiệt đới nữa, trời thật lạnh như mùa đông. Khi nhịn ăn năng lượng trong người tiêu hao nhiều, nên con cảm thấy rất lạnh. Vừa đói vừa lạnh bỗng dưng con nhớ đến mẹ, đang nằm trên đồi cao lộng gió một mình. Và cã những cô hồn đang lang thang thất thểu, đói lạnh trong cỏi âm không người đơm quảy:
Trời xâm xẩm mưa gào gió thét
Khí âm huyền mờ mịt trước sau
Ngàn cây nội cỏ rầu rầu
Nào đâu điếu tế nào đau chưng thường
(văn tế thập loại chúng sanh – Nguyễn Du) .
Mẹ ơi! Cách đây hai mươi năm, con có ghi trong nhật ký, phát thảo đôi nét về mẹ. Hôm nay con xin đọc lại cho mẹ nghe:” Mẹ hiểu rất lơ mơ về giáo lý nhà Phật, không có ý niệm chân xác về thuyết nghiệp báo, luân hồi gì hết . Vậy mà mẹ phát nguyện ăn chay một tháng được mười ngày, gần ba mươi năm rồi mẹ vẩn một lòng kiên trinh thệ nguyện – thuỷ chung như nhất. An chay không khó lắm, là đối với những ai mang một hoài bão to lớn, chí nguyện kiên cường, hoặc đối với những phật tử gia tư thường thường bậc trung trở lên. Trên mâm ăn lúc nào cũng có phù chúc, nấm rơm, tàu hủ, cà rốt, khoai tây… Còn mẹ mười ngày chay trong tháng, ít khi nào được tô canh,hay dĩa xào; muối đậu đối với mẹ đã là sang. Nhiều hôm về thăm nhà nhằm ngày chay của mẹ, thấy mẹ ăn cơm với muối trắng (dẫu hôm đó người con rể có câu được cá và kho nấu ngon cách mấy đi nữa ,mẹ cũng chẳng hề … ). Con đã rưng rưng nước mắt khi nhìn tuổi già của mẹ.Vừa phục vừa thương biết mấy tấm lòng trước sau như một đó” .
Qua đám tang của mẹ, con mới cảm nhận sâu sắc về bốn ân, (ân tổ quốc, ân chư phật thầy tổ âncha mẹ, ân chúng sanh) và nhất là ân chúng sanh, mà ngày xưa chỉ học trên kinh điển, con có khái niệm rất hời hợt nông cạn. Khi mẹ trút hơi thở cuối cùng, bà con phật tủ xa gần đến kinh kệ hộ niệm, cầu nguyện cho mẹ liên tục ngày đêm. Và đây cũng là lần đầu tiên con làm thầy địa lý, con đã chọn âm phần cho mẹ. Con chọn cho mẹ nơi an nghỉ nghìn đời, trên một đồi cao lộng gió và cũng rất nhiều mây. Đầu mẹ quay về núi,chân xuôi về làng. Con thật không ngờ vị trí con chấm huyệt, phía dưới là tảng dá xanh cực kỳ to lớn. Anh em phật tử phải dùng đến xà beng, mũi ve, búa tạ để chẻ đá Mẹ có thấy con là một ông thầy địa lý vụng không ?
Mẹ mất vì chứng cao huyết áp,đưa đến tai biến mạch máu não,mẹ đã hôn mê và nằm tại chỗ rất nhiều ngày.Thường nhật mẹ hay than thở đau đầu.Con nghĩ đơn giản, tuổi già ai cũng thế, đau đầu nhức mỏi là chuyện thường. Chúng con cũng không nghĩ rằng, mẹ lại mắc bệnh huyết áp ,vì mẹ quá gầy. Bởi vậy nên không quan tâm đưa mẹ đi bác sĩ để thăm dò huyết áp. Và cũng không ngăn mẹ có thói quen thích ăn mặn. Con còn nhớ một hôm về thăm nhà em hạnh còn phàn nàn với con:
_ Mẹ mình thật kỳ cục ! Lâu lâu em mua được chút thịt, miếng cá ,mẹ nấu nêm nếm quá chừng mặn ăn chẳng ngon lành gì hết.
Con đã xẵng giọng với mẹ:
_ Mẹ thật vụng về trong chuyện bếp núc, hèn chi mấy chị em gái của con không ai nấu nướng ra gì hết .
Mẹ đã nhỏ nhẹ nói rằng:
_Mẹ biết nêm mặn ăn không ngon, nhưng mà ăn được nhiều bữa.
Hôm đó nghe mẹ trả lời như thế, con hối hận ngẹn ngào, nước mắt cứ chực trào ra. Qua mẹ con mới thấm thía được câu ca dao: “ Tay bưng đĩa muối chấm gừng, gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”. Và cũng hiểu thêm được vì sao mẹ chọn nhà người con gái út rất nghèo để ở. Mà hình như những bà mẹ quê nghèo khổ ở Việt Nam mình đều như thế cã: dè sẻn, tiết kiệm từng chút, cho đến ngày nhắm mắt. Ít có bà mẹ quê nào ăn mặc đẹp hết, quần áo chàm vá như một chiếc y bá nạp của các vị sư tu hậnh đầu đà. Có được bộ đồ mới nào cũng không dám mặc. Cứ để dành, để dành mãi đến phút lâm chung con cái phải đem ra tẩm liệm. Mẹ của con cũng như vậy đó mẹ ơi !
Hôm mẹ vừa bỏ chúng con, riêng con vì bận bịu nhiều việc để lo đám cho mẹ. Với lại bữa đó bè bạn thân hữu, phật tử xa gần, đến phúng điếu chia buồn ấm cúng nghĩa tình, nên con cũng an ủi được phần nào, không buồn nhiều .Nhưng vài ngày sau , một hôm đang lúc thắp nhang cho mẹ, bất chợt nhìn lên bàn thờ, thấy tấm trướng các em phật tử đi phúng điếu mẹ, có bài thơ nho :
Bà về nơi tịnh lạc
Thầy con hoá mồ côi
Mùa xuân buồn man mác
Hạc trắng vừa xa khơi.
Bốn câu thơ của các em phật tử gợi cho con một nổi buồn thê thiết. Con thấy con mồ côi . Con tháy rằm tháng bảy này trên ngực con, các em phật tử sẽ cài cho một bông hồng trắng, thay vì một bông hồng đỏ thắm như năm ngoái. Thật bất hạnh thay cho những ai không còn có mẹ !
Sư phụ con cũng vừa mất mẹ, thầy cứng rắn là vậy thế mà nước mắt cứ chảy trong những ngày tuần thất. Mẹ không còn nữa con rở thành côi cút bơ vơ, trong lòng cứ luôn thấy trống vắng. Mẹ ơi ! Không hiểu vì sao thời gian gần đây các phật tử hay đem cho con bánh kẹo. Mỗi lần có bánh kẹo là con nhớ đến mẹ, nhưng mẹ đã không còn. Tuổi già của mẹ rất thèm ngọt , nhưng chúng con không nhớ nhiều đến điều đo . Thương chúng con mẹ hãy tha thứ những lỗi lầm vụng dại. Chúng con có đứa đã gần nữa đời nguời rồi, nhưng không phải là đã trưởng thành về mặt hiếu đạo:
Gần nữa đời người con mới hiểu
Thế nào thân phận trẻ mồ côi
Tình đạo bạn dành cho con không thiếu
Nhưng mẹ ơi con vừa mất bầu trời.
Thưa mẹ! Hôm đó con có dự định nhân ngày tuần chung thất của mẹ, sẽ mời chư tôn đức thiết lập trai đàn kỳ siêu bạt độ. Trước là cầu nguyện cho đồng bào cùng các chiến sĩ dẫ bỏ mình vì nước. Và những người vì nghiệp lực sâu dày chết oan, tâm thức không nơi nương tựa. Không có cơ hội tái sih, trở thành cô hồn đang lang thang thất thểu nơi đầu ghềnh cuối bãi, đói lạnh cơ hàn.
Sau nũa là mẹ, con rất sợ mẹ đoạ lạc vào cảnh khổ. Vì trước khi mẹ mất, mẹ luôn hôn mê bất tỉnh. Nhưng mẹ ơi , đến giờ phút chót con đẫ không thực hiện được ước nguyện đo, vì thiếu nhân duyên .Tuy vấyuốt trong thời gian bốn mươi chín ngày ,con và các em phật tử đã luôn trì tụng kinh Địa Tạng, để cầu nguyện cho những sinh linh trong cỏi âm và mẹ. Chúng con nguyện cầu cho mẹ và tất cả chúng sinh, đang trầm luân trong cảnh giới khổ đau, đều được an lạc giải thoát. Ngày tuần bốn mươi chín của mẹ, một số phật tử thay con thiết tiệc chay cúng dường chư tôn Thượng toa , Đại đức, Tăng ni.
Cảm kích trước tấm lòng của chư tôn đức và các phật tử đã quan lâm hộ niệm, con quỳ thưa tác bạch, con xin thuật lại cho mẹ nghe :
Kính bạch chư tôn đức…
Hôm nay là ngày cúng chung thất cho thân mẫu của con. Chư tôn đức cùng quý phật tử xa gần đã thương tưởng con. Đức phật dạy rằng: Với nguyện lực của những bậc tu hành chơn chánh, sự chú nguyện của chư vị sẽ đem lại lợi l;ạc vô cùng cho kẻ còn người mất. Y cứ vào lời Phật dạy, con tin chắc rằng giờ đây thân mẫu của con đã thác sanh vào cảnh giới an lành. Ngày mẹ con vừa từ trần, con đã đến các chùa rong tỉnh cung thỉnh chư tăng đến hộ niệm cho mẹ. Nhưng đến chùa nào các thầy cũng đi vắng hết ( hôm đó các thầy đi cúng tiểu tường cho Hoà Thượng Đức Thiệu ở Đà lạt). Lòng con hoang mang xao xuyến lạ! Nghĩ rằng một đời ăn hiền ở lành như mẹ, hơn nữa có một người con trai duy nhất, mẹ cũng gởi cho ở chùa để gánh vác việc phật. Với nhân lành đó há lẻ ngày mẹ ra đi vĩnh viễn , không có chư tăng đến nguyện cầu cho mẹ sao? Như vậythì còn đâu là nhân quả? Làm sao thuyết phục được người khác tin yêu theo đạo Phật ! Ngay lúc bấy giờ con mới thấy vai trò của chư tăng là quan trọng trong cuộc sống này. Sanh và tử là hai việc hệ trọng nhất của kiếp người, mà họ là những ngươiừ luôn thao thức với vấn đề này và lập tâm tìm cách thoát ra. Tự thân họ và khuyến hoá người khác , luôn luôn bảo vệ mạng sống cả mọi loài (sanh) và trong đau đớn cùng cực của kiếp ngưiơì là cái chết (tử) họ luôn có mặt để chia buồn và ngyện cầu siêu độ . Trong cỏi sống và chết, chỉ cần có hình ảnh từ hoà thấp thoáng của chiếc y vàng, là ta an tâm biết nhường nào.
Con cứ tưởng mẹ thiếu dyên, bạc phước, không có chư tăng hướng dẩn hương linh. Nhưng mầu nhiệm thay Phật Pháp ! giò phút sắp sửa di quan cho mẹ con, một vài thầy từ Đà Lạt đã về kip., có cả quý thầy từ Bình Định lên thăm đã có mặtto ng lúc tiễn đưa linh cữu mẹ. Thế là mẹ con đã về noi cỏi vĩnh hằng trong tiếng niệm Phật của chư Tăng với sắc áo vàng thanh khiết. Và bàcon đạo hữu, Gia Đình Phật Tử nữa tong chiếc áo màu lam hiền hoà, chan chứa nghĩa tình đạo vị.
Con xin đê đầu đảnh lẽ đáp tạ thâm ân cả chư tôn đức cùng bà con Phật tử xa gần.
Mẹ ơi ! những mùa Vu Lan trước con đều co một chúc quà cho mẹ , riêng lễ Vu Lan năm nay bức thư này sẽ là món quà mọn dâng đến me. Mong mẹ chứng tri cho lòng con.


Mùa Vu Lan PL 2538



Thích Giác Tâm

LÀM DÂU TRĂM HỌ

LÀM DÂU TRĂM HỌ
Từ thời xa xưa lắm rồi, khi nói “dâu trăm họ”, lập tức người ta nghĩ ngay đến những vị thầy trụ trì ở các chùa. (Xin hiểu chữ trụ trì như là danh từ chuyên môn rất phổ thông để chỉ các vị sư, Tăng hay ni, viện chủ, chịu trách nhiệm toàn bộ về mọi công việc đối ngoại lẫn đối nội của một ngôi chùa, chứ không phải trụ trì như một động từ kép mà một số Phật tử hay không Phật tử đã dùng để chỉ cho việc ăn ở, trú ngụ của bất kỳ vị Tăng sĩ nào). Các vị sư phụ khi bổ nhiệm đệ tử mình đi trụ trì ở một ngôi chùa nào đó đều dặn dò, huấn thị về việc “làm dâu trăm họ” phải như thế nào. Rồi cứ như vậy, từ ngữ đó truyền đi từ đời trụ trì này đến đời trụ trì khác, đến độ trong nhà chùa, từ ngữ ấy hầu như chỉ được hiểu như là từ chuyên môn để ám chỉ các vị thầy trụ trì, tu viện trưởng, viện chủ v.v...Ngày nay, từ ngữ “dâu trăm họ” đã không còn xa lạ gì với mọi người. Thậm chí, nhiều người còn lấy từ ngữ ấy để áp dụng cho một số trường hợp khác ngoài thế tục. Chẳng hạn ông chủ nhiệm một tờ báo cũng có thể than thở: “Chao ôi, biết làm sao cho vừa lòng độc giả đây! Thiệt khổ cho cái nghiệp làm dâu trăm họ.” Một ca sĩ hay chủ nhà hàng cũng có thể tự ví mình như vậy. Cho nên, chữ “dâu trăm họ” bây giờ không còn là của riêng của các thầy trụ trì nữa.
Nói như vậy không phải là tiếc nuối muốn đòi lại cái từ ngữ rất phiền đó về cho nhà chùa. Quý thầy trụ trì có muốn cất riêng từ ngữ ấy đâu. Muốn vất đi thì có. Có điều là vất không được đó thôi. Vì lòng từ bi, vì hạnh nguyện dẫn đạo và sứ mệnh hoằng pháp mà phải gánh lấy, phải chịu làm người dâu cho bá tánh thập phương. Khi vị thầy trụ trì nói đến chữ “dâu trăm họ”, không phải là để than thở, mà là để nhớ lấy trách vụ của mình, nhớ lấy bổn phận hoằng đạo của mình để mà tiếp tục chịu đựng...Chịu đựng cái gì? Nói vô phép, có cạy miệng quý vị trụ trì, quý ngài cũng không nói ra. Chuyện đạo, chuyện chùa, tự nguyện dấn thân làm việc, có gì phải than trách, kể lể. Những kẻ xuất trần, lấy trí tuệ giác ngộ làm sự nghiệp, xem ba cõi bốn đại là không, chẳng mấy người chịu đưa vai gánh lấy ngôi chùa để tiếp cận chúng sinh và cuộc đời mà dẫn dắt họ trên đường tu học. Đa phần người xuất gia thích ẩn cư trên núi cao, hoặc du hóa, nay chùa này mai chùa nọ, hoặc ở chúng (tức là chỉ ở chùa thôi, ai làm trụ trì thì làm, phần mình chỉ biết lo tu tập và nhận công tác nào vị trụ trì giao phó, chứ nhất quyết không nhận trách nhiệm trụ trì). Họ muốn cứu độ chúng sinh lắm, nhưng họ không muốn phải gánh cái trách nhiệm trụ trì, tu viện trưởng, viện chủ v.v... Trách nhiệm đó nặng nề, bận rộn và trở ngại việc tu tập lắm. Đã không gánh thì thôi, gánh thì phải gánh cho trọn. Mà làm sao cho trọn được khi mà chúng sinh khó độ, hết người này đến kẻ khác, hết thế hệ này đến thế hệ kia, hằng hà sa số chúng sinh mong đợi được dẫn đạo. Đó là chưa nói đến trăm ngàn Phật sự khác ở chùa, từ miếng cơm manh áo cho Tăng chúng cho đến những lễ lượt, hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm nọ, làm thế nào mà ngưng được để gọi là trọn!Cho nên, khi một Tăng sĩ chấp nhận đi trụ trì một ngôi chùa là coi như đã chấp nhận hy sinh cả một đời. Rất hiếm khi vị trụ trì bỏ chùa mà đi (chỉ có những thầy trụ trì ở các chùa hội Phật giáo tại hải ngoại vì thấy không thích hợp với sinh hoạt hội hè nặng chất thế tục mới tự động rời chùa mà đi, hoặc bị các hội viên Phật tử chia phe phái, tranh giành quyền lực, tìm cách mời đi mà thôi). Thường thường đã nhận trụ trì là trụ trì suốt đời. Gánh lấy ngôi chùa là gánh lấy cục nợ, tự dưng phải lo việc trả, trả cho đến khi nào không còn nợ, hoặc đến khi nhắm mắt. Mà nợ ở đây là nợ cái ân của chư Phật chỉ dạy con đường giải thoát sinh tử, và nợ cái ân của chúng sinh đã là những nghịch duyên và thuận duyên cho mình trên bước đường giải thoát đó. Cái ân đó biết bao giờ mới trả hết nếu không chứng ngộ thành Phật. Mà muốn thành Phật, đâu phải suốt ngày tiếp đón Phật tử để nghe hết lời than thở này đến sự trách phận kia, cùng với những đòi hỏi, yêu sách... rồi đùng cái thành Phật. Cũng phải có thời giờ tu tập riêng biệt tại phương trượng, tại phòng riêng; cũng phải có một khoảng không gian và thời gian tối thiểu nào đó trong ngày để quay về với chính mình chứ…
Cho nên, đề cập đến chuyện “dâu trăm họ” ở đây, thực ra không phải để bàn tán bình phẩm gì về quý thầy trụ trì, mà chính là để nói chuyện với chính hàng Phật tử chúng ta. Quý thầy sẽ không bao giờ nói, mà không nói thì chúng ta không biết. Vậy thì chúng ta phải tự nói, nói để cùng biết.
Vĩnh Hảo

ĐỨC PHẬT BẰNG ĐÁ


Đức Phật bằng đá

Thích Giác Tâm

Từ thuở khai thiên lập địa có lẽ đã có mặt đá rồi . Đá càng đẹp , càng quý thì càng ở sâu trong lòng đất . Ở sâu trong lòng núi cao . Đá sẽ trở thành bất tử nếu được tâm hồn và bàn tay nghệ nhân điêu khắc tạc thành những biểu tượng tôn quý . Biểu tượng tôn quý ở thế gian này rất ít , trong số rất ít đó thì có Đức Phật . Phật đá ở Angkovat-Campuchia , Phật đá ở động Đôn Hoàng-Trung Quốc , Phật đá ở động Ajanta-An Độ , Phật đá ở Afganistan …
Nhiều khi con tự hỏi :” Đức Phật hoá thân thành đá , hay đá hoá thân thành Phật , mà đứng trước Phật đá nhiều người hồi tâm hướng thiện . Khi nghe tin Đức Phật đá ở Afganistan bị lực lượng Taliban nổ mìn giựt sập , đại địa rùng mình chao đảo , con người hữu tâm trên trái đất đã nhỏ lệ . Bom mìn đã làm thân Phật chảy máu nhưng Phật không hề chết , Phật lại hoá thân nơi này nơi khác . Phật đá ở Afganistan vừa bị sập đổ , thì chính quyền Trung Quốc đã cho điêu khắc một pho tượng phật đá lớn hơn ngay trong đá núi ở Tỉnh Tứ Xuyên , để tưởng nhớ sự kiện đó .
Đá Cẩm Thạch từ các dãy núi ở Tỉnh Thanh Hoá , hay từ núi Ngũ Hành ở Non Nước Đà Nẵng , với cái Tâm và bàn tay điêu luyện tài hoa của nghệ nhân , đá đã rùng mình hoá thân thành Phật đem yêu thương và hiểu biết đến với người dân Việt và vựơt biển đến với năm châu đại dương . Nhờ vậy trái đất có màu xanh nhiều hơn , chim cá muôn thú thong dong vẫy vùng tự tại hơn trong cảnh giới của chúng . Và nhất là con người đối xử với nhau tốt hơn , yêu thương nhau xoá bỏ hận thù .
Bạch Thế Tôn ! nơi chùa con cũng có Phật bằng đá, do những người con Phật chung lòng thỉnh về từ Non Nước-Đà Nẵng . Phật đá cao có 3 mét thôi vậy mà bóng mát Ngài che chắn cả một vùng rộng lớn . Ai đã một lần chứng kiến hình ảnh cụ già lưng còng tóc bạc , hay các cháu bé miệng còn thơm sữa mẹ quỳ mọp bên Phật đá chắp tay thành sen búp đảnh lễ nguyện cầu mà lòng không xúc động nhớ thương . Phật là vậy chỉ có tha thứ và thương yêu , thế nhưng 26 thế kỷ qua Đức Phật luôn có mặt trong lòng nhân loại sinh linh .
Nghiệp lực ,oan khiên chất chồng , thù hận triệt nhau , khiến con người mãi luân hồi bất tận . Hiểu Đạo Phật sâu sắc , Thiền sư thi sĩ Nguyễn Du đã có hai câu kết trong “ văn tế thập loại chúng sinh “ đẹp như lời Kinh Phật :
Ai ai lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi .
Nhớ Phật , nhớ Thiền Sư thi sĩ Nguyễn Du con ghi lại vài dòng tâm tư tưởng niệm .
Pleiku,ngày 05.07.2002

HOA TÂM


Từng viên đá thấm mồ hôi
Đoá hoa Tâm nở bên đồi mù sương
Đầu nguồn cuối bến sông tương
Bàn tay của mẹ thơm hương xứ trầm
Vẫn còn đây đoá hoa Tâm
Nghìn thu rụng tiếng nguyệt cầm đầu non

Giác Tâm