Chùa Bửu Minh Gia Lai - Phật giáo và Thời đại

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2008

Thi Sĩ Bùi Giáng, và tình cảm với các Sư Cô


Thi sĩ Bùi Giáng

và tình cảm với các Sư Cô






Một con người xuất khẩu thành thơ, đi mua chịu rượu và đồ nhậu, ghi vào sổ nợ cũng ghi bằng thơ, viết văn và làm thơ với một tốc độ kinh hồn, ông để lại cho nền văn học Việt Nam một số lượng tác phẩm đồ sộ, giá trị. Vậy mà số phận thật hẩm hiu, ông có vợ, có người yêu nhưng không tìm thấy hạnh phúc, ông chia tay với vợ, với người yêu và giong ruỗi đi tìm, đi tìm giai nhân khắp bốn phương trời, tìm trong mộng, trong thi ca và trong cả những ngôi chùa mà ông có duyên đến và được đón nhận, không mặn nồng nhưng vẫn không lạt lẽo. Bởi vì ông có thời dạy văn chương ở Đại Học Vạn Hạnh của Phật giáo ở đường Trương Minh Giảng Sài Gòn, với lại ông có điên điên nhưng lành không phá phách, nên những ngôi chùa ông đến đều cho ông ăn cơm, thỉnh thoảng có cho tiền nữa. Ngôi chùa ông thường đến là ngôi chùa Dược Sư ở đường Lê Quang Định Gò Vấp, Thành Phố Hồ Chí Minh, nơi đó có phòng phát hành kinh sách Phật Giáo, có Sư Cô Như Hạnh phụ trách. Tôi mê sách nên mỗi khi đi Sài Gòn là luôn ghé lại chùa Dược Sư, có quen Sư Cô Như Hạnh, tôi thường ghé phòng phát hành kinh sách và Thi Sĩ Bùi Giáng cũng hay ghé lại, bởi vậy tôi có gặp ông. Hôm đó ông tới ( xin lỗi tôi không còn nhớ rõ năm ) và cũng đúng lúc nhà chùa thọ trai, nên Sư Cô Như Hạnh vô bên trong nhà trù bưng ra đĩa cơm mời ông, ăn xong còn dúi tiền vào tay ông nữa. Trên bàn có viết và giấy, ông tự tay lấy viết và hý hoáy viết. Tít tắt ông bỏ viết xuống và nhìn Sư Cô Như Hạnh cười móm mém, như thầm cảm ơn và ra đi.
Ông đi rồi Sư Cô Như Hạnh, đưa tờ giấy có chữ viết của Thi Sĩ Bùi Giáng với nét bút sắt thật đẹp cho tôi, ông viết không đẹp như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng mà vẫn đẹp, bay bướm nữa. Ông viết bốn câu lục bát :

Đi tu thứ nhất ở chùa,
Thứ nhì ở tận cuối mùa lang thang -

Dược Sư thơ mộng vô vàn,
Sầu lên vút tận mây ngàn tần thân.

Hai chữ tần thân ông viết bằng chữ Việt, ông mở ngoặc viết chữ Hán rồi đóng ngoặc lại. Tôi không hiểu hai chữ tần thân, sau này tra Tự Điển Hán Việt có nghĩa như sau: Tần : luôn luôn - Thân: rên rỉ .

Đọc bốn câu thơ lục bát của ông, mới thấy được cái tài hoa, cái xuất khẩu thành thơ của ông, cái uyên áo trong tứ thơ của ông. Tôi có một người bạn ở Hoa Kỳ, cũng là một thi sĩ am hiểu Phật học, tôi gởi tặng anh hai câu “ Đi tu thứ nhất ở chùa, thứ nhì ở tận cuối mùa lang thang “ Anh hiểu theo cách hiểu của anh, giảng lại cho tôi nghe rất dài dòng văn tự. Anh giảng câu đầu là ông nói về tục đế, câu thứ hai nói về chân đế, trong tục có chân và trong chân có tục, tương nhiếp lẫn nhau, vân vân và vân vân. Tôi chỉ nghe không ý kiến bởi vì chỉ có Thi Sĩ Bùi Bàng Giúi mới có thể giảng giải thâm ý của ông .


Tôi mơ màng nghĩ ngợi hai câu sau :


Dược Sư thơ mộng vô vàn,
Sầu lên vút tận mây ngàn tần thân.

Chắc hẳn rằng khi chia tay với vợ, và sau này cả người yêu nữa, ông có đau khổ, có trách họ, rằng họ đã không hiểu ông, không nuôi dưỡng hồn thơ ông, để ông cô đơn rồi đến nỗi phải chia tay. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn ông, ông vẫn còn yêu họ, thương họ, ông muốn có không khí ấm cúng của một gia đình, có đĩa cơm nóng hổi, đậm đà hương vị quê hương, có tô canh rau tần, đĩa mướp xào, chén tương, chén cà, đĩa rau luộc.…Ông đọc nhiều chắc ông có ao ước như Đại văn hào Nga Dostoiefski “ Tôi xin đổi tất cả văn nghiệp của tôi , để có được một người vợ, biết nấu cho ăn ngon, và biết đứng ở cửa đợi chờ tôi về, trong suốt một ngày tôi làm việc mệt “.

Vẫn còn yêu thương người nữ,vẫn nhớ đến người mang nặng đẻ đau mình, và công đức sinh thành hơn cả nước trong nguồn chảy ra nữa. Ông nhớ đến người mẹ mẫu mực nhưng lận đận một đời đã khuất, nên khi gặp Ni Sư Trí Hải, có tên đời là Công tằng tôn nữ Phùng Khánh, đẹp người, đẹp hạnh tu, trí tuệ bậc nhất trong giới tu nữ ở đất Sài thành, ông đem lòng thương kính cứ luôn gọi là mẫu thân Phùng Khánh, sau khi ông mất Ni Sư Trí Hải có giảng cho Tăng Ni Phật tử về thâm nghĩa trong thơ ca của Bùi Giáng trong nhiều buổi giảng . Thương, quý, Ni Sư Trí Hải ông thương lây qua các Ni Cô khác, nhất là các Ni Cô ở chùa Dược Sư, nơi mà ông thường lui tới nghỉ chân, được ăn cơm , được lì xì tiền tiêu vặt. Cảm nghĩa, cảm tình ông đã coi chùa Dược Sư là thơ mộng nhất, các Ni Cô là người hiền thục nhất, đẹp nhất trong giới nữ lưu. Ông đã nhớ đến họ, tâm tưởng đến họ và có lúc ông đã buồn, qua họ ông nhớ đến mẹ ông, vợ ông ngày cũ, nhớ đến người yêu dang dở chia tay. Nhớ đến thân phận của một kẻ lãng tử như mình, tứ cố vô thân, không một mái ấm gia đình. May thay vẫn còn lòng từ bi của Phật, cho ăn cho uống, không đuổi xô, hất hủi. Chính điều đó đã khiến cho ông buồn tủi, và cái buồn của ông “ Sầu lên vút tận mây ngàn tần thân “

Sống ông dạy học trường chùa, ăn cơm chùa, và khi chết ông được chùa Vĩnh Nghiêm lo tang lễ, có Sư Tăng tụng niệm nguyện cầu. Âu đó cũng là duyên phước cuối kiếp làm người của ông. Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, bỗng nhớ về ông trong một đêm mưa gió bời bời, viết về ông, ghi lại bốn câu thơ ân nghĩa của ông để giữ lại tinh hoa của ông để rơi rớt lại trên dặm đường lãng du, phiêu bạt,mà ông tự nhận đứng hàng thứ hai sau các Sư Cô xuất gia ở Chùa:

Đi tu thứ nhất ở chùa,
Thứ nhì ở tận cuối mùa lang thang .


Chùa Bửu Minh, Gia Lai,
Mùa Vu Lan Phật Lịch 2552-DL.2008.

Thích Giác Tâm


Thứ Năm, 7 tháng 8, 2008

QUÁN CHÁO TRẮNG CỦA GIỚI SÂN



Quán cháo trắng của Giới Sân





Lời giới thiệu


Quán cháo trắng của Giới Sân là tập sách thuộc vào hàng bestseller tại Trung Quốc hiện nay. Tác giả của nó là một “tiểu tăng” tên “Giới Sân”, mà cho đến nay, qua nhiều nỗ lực liên lạc và tìm hiểu, vẫn không ai biết đích thực chú là ai, và tên thực của chú là gì?
Nguyên vào ngày 27-4-2007, trên trang tianya.com.cn, có một thành viên nickname “Thích Giới Sân” xin đăng nhập, tự xưng rằng: “Tôi là một chú tiểu trên núi, đến để kể chuyện cho mọi người nghe”. Không đầy 10 ngày sau, lượt người vào trang blog của chú đã lên đến con số 30.000, với 6.000 câu trả lời. Tháng 6-2007, trang qq.com đã mở ra diễn đàn “Quán cháo trắng của Giới Sân”. Đến tháng 12-2007, số lượng thành viên đăng ký lên đến 40.000 người. Tính đến nay, số lượt người truy cập để đọc những bài viết này là 200.000.000 lượt - một con số kỷ lục! Hơn 100 nhà xuất bản đã đề nghị tập hợp những mẩu chuyện của chú để in thành sách, kết quả, tập sách ra đời với tiêu đề: Quán cháo trắng của Giới Sân - chú tiểu kể chuyện, tác giả Thích Giới Sân, do Nhà Xuất bản Văn nghệ Hà Nam ấn hành lần đầu vào tháng 1-2008.Quý độc giả có thể truy cập địa chỉ:
http://787129669.qzone.qq.com/ để xem nguyên văn những bài viết bằng tiếng Hoa của tác giả cùng với rất nhiều những lời bình luận của các thành viên tham gia diễn đàn.
Theo đánh giá của cư dân trên mạng thì trang web này chuyển tải những câu chuyện thiền tinh tế, ý nhị bằng tiếng Bạch thoại được nhiều người ca ngợi và truy cập nhất.Một thành viên nhận xét: “Vị tiểu hòa thượng tên Giới Sân dùng đôi mắt và tấm lòng trong sáng của mình để quan sát thế giới, để xem các việc vặt đủ loại của các thí chủ trên khắp thế gian. Hóa ra, cái mà Giới Sân giảng về thế gian này không chỉ là hai bàn tay hợp lại thành mười ngón, mà là sự khai mở, sự buông bỏ, ý thiền bât tận, Phật tâm miên man không cùng. Giới Sân đã nói: ‘nếu như muốn được ánh mặt trời chiếu rọi, thì chỉ có đứng ngay giữa đình viện mà thôi, còn cứ trốn trong góc kẹt nào đó, thì Phật cũng không còn cách nào khác’. Bình luận câu Blast Quán cháo của Giới Sân, thành viên này bình luận: “Hôm qua thì rực rỡ, hôm nay đã bị nhét vào đáy tủ áo quần, bộ y phục Tăng sĩ không hợp nhãn đó đã trải qua hàng ngàn năm cũng vẫn không thay đổi. Cũng vậy, duy chỉ có cháo gạo trắng vừa nhạt vừa không mùi vị là vật vĩnh hằng nhất trên thế gian này”. Xin giới thiệu đến độc giả loạt bài sống đạo của “Tiểu Tăng” Thích Giới Sân - mà hiện nay “chú” đã thọ Tỳ kheo giới - do Sư cô TN. Thánh Tâm, du học sinh tại Trung Quốc chuyển ngữ. Nguyệt san Giác Ngộ Lời phi lộ
Từng có nữ thí chủ đến chùa nói đùa với Giới Sân rằng: Tiểu sư phụ Giới Sân ơi, tại sao chú cứ mặc kiểu áo cũ kỹ này hoài vậy, có khi nào chú muốn may một kiểu áo mới hay không?Giới Sân cười, không đáp.Y phục đời Đường hoa lệ sặc sỡ, sắc phục đời Tống trang trọng điển nhã, đã trở thành chứng tích cho lịch sử. Những sắc phục hiện đại theo trào lưu, theo mùa của hôm qua và hôm nay đã được xếp cất vào trong đáy tủ. Chiếc áo Tăng hoại sắc, ngàn năm qua vẫn chưa thay đổi bao giờ!Những ca khúc lưu hành năm nay, biết đến năm sau còn có ai hát nữa hay không? Dưới ráng chiều, câu hò đối đáp của ông bà vẫn mãi vang vọng cho đến bây giờ và mai sau.Chiếc bánh đậu xanh ngòn ngọt, bánh trung thu hợp khẩu vị; ly cà phê, chai nước ngọt, mãi là cái điểm xuyết cho cuộc đời.Cái mãi mãi, vĩnh hằng của thế gian, chỉ có cái không mùi không vị của bát cháo trắng, của ly nước lã…
Sen và ốc sênChùa Thiên Minh chúng tôi tọa lạc trên núi Mao Sơn, bên trấn Diểu. Dưới núi không xa có cái ao sen. Khi mới vào chùa, Giới Sân thường cùng sư huynh sư đệ đến đó chơi. Trong chùa, Giới Sân thân với Giới Ngạo, hầu hết quý sư huynh cũng không lớn hơn Giới Sân bao nhiêu. Vài năm nay lại có thêm hai tiểu sư đệ Giới Si, Giới Trần. Giới Ngạo nhỏ hơn Giới Sân một tuổi nên là sư đệ của Giới Sân, nhưng hắn vào chùa từ nhỏ xíu. Sư phụ Trí Hằng phụ trách chăm sóc hắn từ bé.Chúng tôi có ba vị sư phụ, sư phụ Trí Duyên, Trí Hằng, Trí Huệ. Huynh đệ chúng tôi: tôi - Giới Sân, Giới Ngạo, Giới Si, Giới Trần…Mỗi năm vào lúc trời nóng, hoa sen lại vươn lên, mọc đầy trong ao, ở đó có tiếng kêu của ếch nhái, của ve, vì trên vùng núi, nên thời tiết có vào hạ, ban đêm không khí vẫn mát mẻ.Nước trong ao tuy có nhiều khe núi chảy xuống, vẫn phải nhờ vào nước mưa. Lúc thời tiết nắng nóng, nước trong ao khô cạn, nhưng khi trời mưa nước lại tích đầy. Nước dưới ao không sạch lắm, sanh trưởng rất nhiều sinh vật. Đến mùa, lá sen phủ đầy mặt ao, từng đóa hoa thanh nhã điểm hồng trên nền nước, mùi hương thoang thoảng theo gió của núi rừng phảng phất bay, khiến người đứng hóng mát bên ao khó quên. Dưới tán lá sen, nhiều chú cá nhỏ vẫy bơi, nhiều chú chuồn chuồn chập chờn trên lá, khi gió thổi qua, chúng nó cũng dập dờn động đậy. Đợi cọng sen lớn, tôi và Giới Ngạo đến bên ao, bỏ dép, tuột xuống lớp bùn nhão nhoẹt khiến người dễ hụt chân, nhổ cọng sen lên đem về chùa.
Sau khi thấy cọng sen nhiều, tôi và Giới Ngạo đem cọng sen đến khe suối rửa. Dù nước ao có vẩn đục đến đâu, dù cọng sen có nhiều bùn đến đâu, những cọng sen này để bên khe suối rửa một chút là có thể dùng. Lấy cái dao nhỏ cạo đi lớp da mỏng màu đục la sẽ thấy màu trắng bên trong.Dưới ao không chỉ có thực vật, mà còn có nhiều Ốc Sên sinh sống, lặng lẽ bám vào đáy ao. Ốc Sên có cái vỏ cứng bao bên ngoài và có cả cái nắp nhỏ che trước thân. So với cọng sen, xem ra Ốc Sên dễ chống lại sự xâm phạm của nước đục từ bên ngoài hơn. Nhưng có vài thí chủ bảo với chúng tôi rằng khi họ vớt Ốc Sên về, bỏ vào nước trong, chế ít dầu ăn vào nước, lúc sau, nước trong trở nên đục ngầu, vì Ốc Sên đã nhả bùn từ trong thân mình ra.Nên sư phụ nói, hoàn cảnh bên ngoài có ảnh hưởng đến sự vật, nhưng không phải là tuyệt đối. Như cọng sen trần giòn dễ gãy, ở trong bùn vẩn đục lại dễ dàng rửa sạch, còn Ốc Sên tuy có cái vỏ chắc chắn kiên cố, song bên trong dơ bẩn đến độ để trong nước sạch cũng khó tẩy rửa.Sen mãi là sen, bất luận là nơi nào cũng như vậy, không thể biến thành Ốc Sên.
Ngôi nhà của chuộtSư phụ Trí Huệ khi chưa xuất gia là một thầy giáo ngữ văn. Sau khi xuất gia, sư phụ mang đến chùa rất nhiều sách, đa số đều không phải kinh Phật. Những quyển sách đó chất đống dưới giường của tiểu. Sư phụ Trí Huệ sau khi vào chùa rất ít khi đụng đến sách này, lâu dần, quý sư phụ và các tiểu đều không nhớ sự tồn tại của nó.Đống sách này không phải là không được chiếu cố; có một vài chú chuột hiếu học làm ổ trong đó, thường lật sách đọc.Buổi sáng sớm thức dậy, chiếc vớ thêm một lỗ to tướng, có thể là do các chú chuột chưa học đến phẩm lễ nghi cắn mất rồi.Có hôm, tiểu hỏi sư phụ Trí Huệ một câu. Sư phụ suy nghĩ rất lâu, chợt nhớ trong đống sách dưới gầm giường có đáp án.Tiểu kéo miếng trải giường qua một bên, thò đầu xem dưới giường, đưa tay rờ vào đống sách, bụi đóng một lớp trên sách bay tứ tung khiến mọi người chung quanh đều hắc xì.Bên tai nghe tiếng kêu sột soạt, có hai chú chuột gầy gò, nối đuôi nhau tẩu thoát khỏi phòng, chạy ra ngoài sân.Giới Ngạo giật thót cả người, liền sau đó nói đùa: "Hai chú chuột này mà ở chùa Bảo Quang, thì không đến nỗi gầy gò như vậy".Đem từng đống sách dưới gầm giường ra phơi trước sân chùa, mấy huynh đệ chúng tôi bịt mũi, phủi bụi trần trên sách, lại bò trên đất, lật từng cuốn từng cuốn để tìm quyển sách mà sư phụ nói, cuối cùng tìm ra được, nhưng chỉ còn lại nửa quyển, nửa kia đã bị cắn nát, chắc chắn hai chú chuột gầy là thủ phạm.
Đem sách đưa cho sư phụ Trí Huệ, lật từng trang sách, đã không tìm thấy nội dung cần tìm. Giới Trần bất bình nói: "Mấy con chuột này thật quá đáng". Rồi, chợt hắn nói một cách ngây thơ: "Nêu như sư phụ giảng kinh cho nó nghe, khiến nó sửa đổi tính nết là tốt rồi".Sư phụ Trí Huệ cười: "Giáo hóa những chú chuột này chỉ có Phật Tổ mới đầy đủ pháp lực, sư phụ không đủ khả năng đó. Nhưng xét cho cùng, hai chú chuột này cũng không có chỗ nào cần giáo hóa hết".Giới Trần không hiểu: "Chuột trốn dưới gầm giường, cắn hư hết sách, tại sao không cần giáo hóa nó chứ?".Sư phụ dạy: "Trên giường là nhà của con, nhưng dưới gầm giường lại là nhà của chuột".Loài người thường cho rằng mình là nhân vật trung tâm, có quyền phán đoán sai trái, thậm chí còn cho rằng tất cả sự vật đều thuộc quyền sở hữu của mình, chưa bao giờ nghĩ rằng, vạn vật đều bình đẳng sở hữu. Nếu ai còn suy nghĩ như vậy, hãy nhớ rằng, bạn không có chút gì là đúng.
Đi dưới trời xanhSư phụ của chúng tôi nhận vài vị đệ tử tại gia, trong đó có vị gọi là Giới Yên (có nghĩa là cấm hút thuốc); pháp danh này là do người đó yêu cầu, lý do đơn giản là vị này muốn chính mình ngăn ngừa việc hút thuốc.Họ tên chỉ là để phân biệt người này với người kia, cùng một tên gọi chưa chắc chỉ một người, tên gọi không giống cũng chưa chắc là hai người.Người gọi Giới Yên, vẫn có thể ngăn ngừa tham, sân, si.Giới Yên buôn bán bất động sản ở Thượng Hải, mỗi năm anh đều đến chùa vài lần. Vài năm gần đây, mỗi lần anh ấy ghé chùa đều cười thiệt tươi.Sư phụ Trí Duyên bảo chúng tôi, đó là hiệu quả của việc tu hành, sau khi tu hành lãnh ngộ, Phật pháp thâm nhập vào tâm linh, có thể khiến người tâm tình thư thái.Ông chủ Tôn cho rằng anh Giới Yên vui như vậy vì giá đất gần đây tăng cao.Hai tiểu sư đệ Giới Trần, Giới Si trong chùa rất thích anh Giới Yên. Mỗi lần anh ấy ghé thăm chùa đều mang rất nhiều thức ăn uống, cùng đồ chơi cho hai chú. Hai chú vừa nhìn thấy anh đến, liền tranh nhau đến lục cái túi xách. Sư phụ thường quở hai chú chẳng có lễ phép gì cả, nhưng anh không hề để ý, thường nhìn hai chú cười tươi, còn nói với hai chú đồ ăn để chỗ nào trong túi xách nữa.
Anh Giới Yên thích kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xảy ra trên thành thị, anh nói anh sống ở Thượng Hải, là thành phố rất lớn, lớn hơn Trấn Diểu gấp mười lần, huynh đệ chúng tôi không biết là thật hay giả. Con người thường phản ứng việc mình chưa biết bằng cảm giác mới lạ và nghi ngờ. Lúc đó, các sư đệ đều tập trung lại nghe anh kể, đều cảm thấy rất thích thú.Tiểu cùng các sư đệ đi qua nơi xa nhất chỉ là vài thị trấn gần bên, nhưng vẫn cảm thấy anh Giới Yên nói hơi quá. Trong các thị trấn gần đây, Trấn Diểu là lớn nhất, ở thị trấn này mà đi hết một vòng, nhanh nhất cũng hết nửa giờ đồng hồ.Thượng Hải có quá nhiều điều mới lạ, anh nói nếu có dịp sẽ dẫn chúng tôi đi, nhưng rất tiếc sư phụ chưa chắc là đã cho phep.Anh còn rất thích phong cảnh gần chùa Thiên Minh, nói sơn thủy ở đây đặc biệt khiến người động tâm, không khí trong lành, dù rằng đến mùa hè tháng Sáu, trong núi cũng rất mát mẻ, bầu trời cũng xanh trong.Lần đó, sư phụ cũng đứng một bên, nói với anh rằng, khi trở lại Thượng Hải nhớ ngẩng đầu lên nhìn, sau đó kể lại xem anh đã nhìn thấy được gì.Trải qua một thời gian, anh từ Thượng Hải điện thoại kể với chúng tôi, sau khi anh đến Thượng Hai, vâng lời sư phụ dạy, ngẩng đầu lên nhìn, mới phát hiện bầu trời ở đó cũng xanh trong.Sư phụ bảo: Mỗi người chúng ta thật ra đều đang sống dưới trời xanh, nếu bạn không cảm nhận được, là vì bạn chưa ngẩng đầu lên nhìn, chứ không phải là bầu trời không có màu xanh. (Còn tiếp)
THÁNH TÂM dịch

nguồn: giacngo online






Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2008

Thơ-Lửa Từ Bi


Thơ: Lửa từ bi



Lửa! Lửa cháy ngất tòa sen!Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống.Hai vầng sáng rưng rưng,Đông Tây nhòa lệ ngọc,Chắp tay đón một mặt trời mới mọc.Ánh Đạo Vàng phơi phới đang bừng lên, dâng lên …Ôi đích thực hôm nay trời có mặt,Giờ là giờ hoàng đạo nguy nga,Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt,Nhìn nhau: tình huynh đệ bao la.Nam mô Đức Phật Di Đà,Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?Thương chúng sinh trầm luân bể khổ,Người rẽ phăng đêm tối đất dầy,Bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây,Gọi hết Lửa vào xương da bỏ ngỏ Phật pháp chẳng rời tay.Sáu ngả luân hồi đâu đó,Mang mang cùng nín thở,Tiếng nấc lên từng nhịp bánh xe quay,Không khí vặn mình theo, khóc oà lên nổi gió,Người siêu thăng … giông bão lắng từ đây …Bóng Người vượt chín tầng mây,Nhân gian mát rợi bóng cây bồ đề.Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc,Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi.Chỗ Người ngồi, một thiên thu tuyệt tác,Trong vô hình sáng chói nét từ bi.Rồi đây.. Rồi mai sau… Còn chi?Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát,Với thời gian, lê vết máu qua đi …Còn mãi chứ, còn Trái Tim Bồ Tát,Gội hào quang xuống tận chốn A Tỳ.Ôi ! Ngọn lửa huyền vi …Thế giới ba nghìn, phút giây ngơ ngác,Từ cõi vô minh Hướng về cực lạc,Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác,Và cũng chỉ nguyện được là rơm rác.Thơ cháy lên theo với lời kinh,Tụng cho nhân loại hòa bình,Trước sau bền vững Tình Huynh Đệ này.Thổn thức nghe lòng trái đất,Mong thành quả phúc về cây.Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật!Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt,Tình thương hiện tháp chín tầng xây.Vũ Hoàng Chương(Sài Gòn, từ 11-6-1963 đến 15-7-1963)

Thư mùa Vu Lan


Thầy kính thương của con !



Thấm thoát mà ngày tháng qua mau , con đi xa đã gần ba tháng và một mùa hạ nữa cũng sắp đi qua . Trời vào thu thật buồn , nắng hiu hắt, gió heo may báo hiệu lễ Vu Lan đã về . Tâm trạng của đứa con xa nhà nào có khác gì một kẻ mồ côi, chiều xuống sao nghe lòng buồn chi lạ!
“ Đoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”
Con ngồi đây mà hồi tưởng lại những tháng ngày đã qua. Mỗi mùa Vu Lan về , con thường hay dắt mấy nhỏ đến chùa để được ngắm nhìn khuôn mặt rạng rỡ của các con khi được cài lên áo cánh hoa hồng . Và riêng con đắm mình trong lời kinh tiếng mõ mà nghe thấm thía lời Phật dạy : “Phận con gái còn nương cha mẹ…” Nghĩ lại về mình con thấy từ bao giờ con luôn sống trong tình yêu thương vô bờ bến của má và chị , mà con thì chưa báo đáp được gì . Chỉ làm cho má và những người thân yêu luôn lo lắng cho con, má con không hề đòi hỏi con phải làm gì cho má , chỉ mong được có con ở gần bên được nghe con nói, được thấy con cười là má đã vui lắm rồi . Một ước muốn giản đơn như vậy nhưng con đâu có làm được. Nhiều lúc con cứ tự hỏi : Vì ai , vì cái gì mà con tự đánh mất đi hạnh phúc của chính mình ? Con sống ở nơi đây nhưng tâm tư tình cảm thì luôn hướng về những hình bóng thân yêu ở quê nhà.Nên rốt cuộc thì con đã tự làm khổ lấy mình và cũng làm khổ lây đến bao nhiêu người khác . Biết rằng như vậy là quá khổ, nhưng mà mãi con vẫn chưa tìm được cách vượt thoát ra ngoài nỗi khổ ấy được .
Ơ ! nhưng mà sao khi không con lại kể lể tùm lum như vậy , làm cho Thầy cũng bị buồn lây luôn rồi , nhưng ai biểu Thầy là Thầy của con làm chi, để cho mỗi khi có chuyện buồn vui gì con cũng đều nhớ đến Thầy và muốn đem kể cho Thầy nghe . Con rất mong những lời khuyên bảo dạy dỗ của Thầy .
Thầy ơi dạo này sức khoẻ của Thầy ra sao ? Chùa của mình và cả Thầy nữa có gì vui không , chị Hai của con có thường về chùa thăm Thầy không ? Có thường nhắc nhở gì đến con không ? Hay thời gian qua đi đã làm vơi luôn nỗi nhớ niềm thương của mọi người đối với con rồi ?
Dạo này mấy đứa nhỏ nhà con đã đi học lại rồi, còn con thì cũng chuẩn bị đi học. Nghĩ đến chuyện học sao mà con cảm thấy ngán quá ,tiếng Dan rất khó nói, khó hơn tiếng Anh nhiều , nhưng không học thi đâu có được, con thấy ngán học . Chứng tỏ là con đã già rồi đó phải không Thầy ? Nhưng thôi phải cố gắng chứ kể lể với Thầy , thầy cũng đâu giúp gì đuợc cho con . À ! mấy chú điệu nhỏ của chùa, mùa hè này có về chùa ở thường xuyên để làm rộn cho Thầy không ? Thầy có nhận cho mấy chú ở luôn và có nhờ chị Tiến giúp đỡ không ? Con nghĩ là Thầy phải nhận đệ tử vào rồi đó , chứ mai này Phật pháp ai lo . Con lại nhiều chuyện nữa rồi , Thầy đừng có mắng con nha ! nhưng mà cứ nghĩ đến cảnh chùa mình nằm ở nơi vắng vẻ, mà Thầy lại có một mình. Dù biết rằng bây giờ Thầy vẫn đang còn khoẻ nhưng ai biết được những khi trái gió trở trời, Thầy sớm khuya chỉ có một mình. Con cứ thấy lo lo trong lòng Thầy ơi!
Bạch Thầy ! Con đi xa không được ở gần để chăm sóc cho má con được, đành phải nhờ vào chị Hai . Con xin gởi má con cho Thầy nha, nếu có chuyện gì chị Hai con sẽ rất lúng túng , nhờ Thầy hỗ trợ cho chị. Nếu có lúc nào có dịp qua Pleiku, mà thầy có được chút ít thời gian rảnh rỗi xin Thầy hãy ghé nhà con một chút , nói chuyện với má con để má con được vui Thầy nha :
“Bảy mươi tuổi rồi mẹ có biết
Chuối chín trên buồng gió thoảng từng cơn
Nắng mưa, ấm lạnh , lòng con sợ
Thời gian có chờ cho con đền ơn ?”
Thầy ơi ! Thầy có biết không ? Có những đêm con nằm mơ thấy con và chị Hai chuẩn bị để đi thăm Thầy , nhưng sữa soạn xong rồi , sắp được gặp Thầy bỗng dưng giật mình thức giấc . Vậy là không được gặp Thầy làm con tiếc ngẩn tiếc ngơ , tức gì đâu ! Nhưng biết bắt đền ai đây, mấy lần như vậy rồi đó, thật là tiếc Thầy nhỉ? Chắc Thầy đang cười con đó phải không ? Chuyện trong mơ mà cũng …
Khi thư này đến tay Thầy, chắc lễ Vu Lan đã qua rồi . Dù vậy con cũng xin kính chúc Thầy một mùa Vu Lan hạnh phúc và an lạc . con xin tặng Thầy một đoá hồng thắm như tình cảm của Thầy trò mình và con cũng kính dâng lên Thầy một đoá hồng trắng để “tưởng rằng mẹ vẫn bên ta , mẹ vẫn thương ta” .
Danmark, ngày 05 tháng 08 năm 2000
Phật tử Thường Duyên