Chùa Bửu Minh Gia Lai - Phật giáo và Thời đại

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

Vì sao Tu Sĩ Phật Giáo cần có Tri Thức Khoa Học?

Câu hỏi sẽ không cần đặt ra nếu người tu sĩ mặc định và hành trì một cách tuyệt đối tư tưởng: “Giải thoát là không còn trụ nơi hình tướng”; mà khoa học thì lại trụ bám vào hình tướng, vì đối tượng của nó là vật chất, - tức hình tướng. Người tu sĩ chỉ cần “hành thiền” hay “niệm Phật nhất tâm bất loạn.”
Thật ra, yêu cầu tri thức khoa học đối với người tu sĩ Phật giáo nói chung có thể chứng minh được, căn cứ trên hai thực tế: Thực tế khách quan và sự nghiệp tu hành - hoằng hóa (tự giác giác tha).
I. Thực tế khách quan
1. Hiện thực pháp giới tính
Trong vũ trụ vạn hữu, không một hiện tượng nào không liên hệ với tất cả các hiện tượng khác. Đạo Phật không tách rời khỏi thế giới còn lại. Phật pháp không tách rời thế gian pháp, “Nhất thiết thế gian pháp vô phi Phật pháp.”
Chân lý này từng được nêu rõ trong kinh Phật. Kinh Hoa Nghiêm có giáo nghĩa “tương tức, tương nhập”. Tương tức có nghĩa là cái này là cái kia. Tương nhập có nghĩa là cái này nằm trong cái kia.
2. Quan niệm hiện đại về một Trí quyển (noosphere) bao quanh địa cầu, đó là “quyển” do tâm thức và trí tuệ (do tâm trí) của loài người tạo nên.
Tác động của con người vào tự nhiên đã làm biến đổi sâu sắc bộ mặt của hành tinh và các tầng quyển bao quanh nó, đến mức độ không còn nơi nào không mang dấu ấn hoạt động con người.
3. Khoa học và ứng dụng của nó là Kỹ thuật tác động trên con người:
- Tích cực: cho phép hiểu thế giới hiện tượng ngày càng sâu sắc và chính xác.
- Tiêu cưc: Môi trường sống bị tổn hại nghiêm trọng; chiến tranh, tội ác khi áp dụng khoa học - kỹ thuật vào mục đích xấu.
A.Einstein phát biểu rằng: “Tại sao cái nền khoa học ứng dụng nguy nga lộng lẫy ấy, - tiết kiệm sức lao động và làm cho đời sống được dễ dàng hơn, - lại mang đến cho chúng ta quá ít hạnh phúc như vậy? Câu trả lời là: Bởi vì chúng ta chưa học cách sử dụng nó theo lương tri. (Why does this magnificent applied science, which save work và makes life easier, bring us so little happiness? The simple answer runs: Because we have not yet learned to make sensible use of it. – Albert Einstein. Address, California Institute of Technology. The great Quotations, Science. p.854)”
4. Khoa học đã trở thành một trong những hoạt động có tốc độ phát triển nhanh nhất của loài người.
5. Khoa học là Tri thức, mà Tri thức là sức mạnh (Knowledge itself is power. – Francis Bacon).
6. Khoa học đẩy lùi dần mê tín, tà thuyết, tà đạo.
II. Sự nghiệp tu hành và hoằng hóa
1. Đạo Phật là đạo của trí tuệ. Khoa học là trí tuệ thế gian phù hợp với lý trí, không mâu thuẫn với Phật pháp, do vậy mà khi hoằng hóa người tu sĩ cần có những hiểu khoa học nhất định.
2. Nhìn chung, tăng sĩ có tri thức khoa học hiểu kinh điển sâu sắc hơn, đồng thời có thể dùng khoa học để lý giải, thuyết minh chân lý đạo Phật.
- Việc hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo sẽ được dễ dàng và có hiệu quả hơn khi hàng tu sĩ có trình độ văn hóa và khoa học vững vàng.
- Cảm hóa tha nhân bằng đức, nhiếp phục họ bằng trí, và bắt đầu bằng thế trí, mà khoa học là thế gian trí tiêu biểu nhất.
3. Khoa học - Kỹ thuật cung cấp những phương tiện trợ duyên cho sự học hỏi và truyền bá chánh pháp.
- Về phương tiện tri thức, có các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; các nghành y học, tin học, giáo dục học v.v…
- Về phương tiện vật chất, như: video, cassette, máy vi tính.
4. Biết và sử dụng được một vài phương tiện kỹ thuật chưa đủ để có thể gọi là có tri thức khoa học.
III. Phật pháp và Khoa học
1. Phật pháp là Chánh trí, là Chân lý trong khi khoa học thì đang trên con đường đạt tới Chân lý. Do vậy mà cái biết của khoa học đã và đang tiến hóa theo thời gian, còn những điều đức Phật nói ra là Sự Thật hiển nhiên “như thị”, không có gì phải “xét lại”, như Albert Einstein, nhà bác học vĩ đại nhất của thiên niên kỷ đã nhận định: “Nếu có một tôn giáo nào thích ứng được với các nhu cầu khoa học hiện tại thì tôn giáo đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần duyệt xét lại hầu cập nhật hóa với những khám phá khoa học mới đây. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm mình để theo khoa học, vì Phật giáo không những bao gồm cả khoa học mà còn vượt qua cả khoa học nữa.”
2. Căn cứ trên biện chứng “giải thoát là tu trí (trí độ)” thì Phật pháp là “cái chuẩn”, là “thước đo” trình độ khoa học chứ không thể dùng khoa học làm thước đo Phật pháp, - như một số phật tử trí thức đã mắc phải sự nhầm lẫn này.
3. Khoa học khám phá những quy luật của thế giới vật chất, chứ tự nó không phải là phương tiện giải thoát con người khỏi phiền não và luân hồi sinh tử.
4. Tu sĩ Phật giáo cần có kiến thức khoa học để:
- được thêm thuận lợi khi hoằng pháp trong một thế giới mà khoa học ngày càng tiến bộ;
- điều chình tình trạng tâm – sinh lý bản thân khi có vấn đề về bệnh lý.
Nhưng không thể cho đó là điều kiện tất yếu bởi vì giáo pháp của đức Thế Tôn đã hoàn toàn đầy đủ cho bất cứ chúng sinh nào - trong cuộc hành trình giải thoát - thực hiện đúng pháp môn Ngài dạy.

Giáo sư - Cư sĩ Phạm Phú Thành

__________________

PHẬT TỨC TÂM ,THƯỜNG LẠC NGÃ TỊNH
ĐẠO THỊ ĐỨC , HĨ XÃ TỪ BI

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Kinh doanh là trò chơi, tiền bạc là phương tiện , Phật Pháp là tất cả


Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen là một doanh nhân thành đạt. Tập đoàn Hoa Sen trở thành thương hiệu quen thuộc trong ngành Thép tại Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây với một sự phát triển có tốc độ nhanh.

Từ đấy, ông ít nhiều trở thành điểm chú ý của nhiều giới, vì thế mà những thông tin về ông cũng khá nhiều người biết. Chẳng hạn như ông đi lên từ hai bàn tay trắng với số vốn ban đầu chỉ có 2 chỉ vàng. Trong vòng 6 năm, từ một công ty thành lập với số vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ thì nay đã là 570 tỷ đồng.

Rồi một số giải thưởng đạt được như Sao vàng đất Việt, Doanh nhân xuất sắc Việt Nam… Và cả những việc tài trợ cho bóng đá, làm từ thiện…

Tuy nhiên, tất cả những điều ấy đối với ông chỉ là phương tiện như ông đã nói. Điều cốt lõi quan trọng nhất mà Lê Phước Vũ hạnh phúc chính là ở chỗ mình là một Phật tử có niềm tin sâu sắc đối với đạo Phật.

Khi trò chuyện về Phật giáo, ông quên hết mọi chuyện xung quanh và nói về Phật pháp với một lòng tin kiên cố. Câu chuyện với ông Lê Phước Vũ rất dài, chúng tôi chỉ xin lược ghi lại những gì cơ bản và ít nhiều riêng tư mà ông đã rất chân thành và cởi mở với VHPG.

Phóng viên (PV): Thưa ông, rất nhiều người được biết một câu chuyện rằng, trong lần làm ra số tiền lớn nhất đầu tiên trong đời, ông đã đem toàn bộ số tiền ấy để thỉnh tượng Phật. Đây không phải là hành động như những người bình thường, vì ai cũng biết lúc ấy ông chưa giàu như bây giờ, có một số tiền lớn lẽ ra phải chi dùng cho cuộc sống chứ?

LÊ PHƯỚC VŨ (LPV): Trên đời này tôi thấy Phật pháp là cao quý nhất không gì sánh bằng. Từ khi tôi nhận thấy được điều đó cho đến nay thì niềm tin ấy không bao giờ thay đổi, một niềm tin tuyệt đối và mạnh mẽ.

Những lời dạy và những giá trị của đạo Phật chi phối mọi hoạt động trong cuộc sống của tôi. Điều quan trọng nhất của người học Phật là cung kính Đức Phật và làm theo lời dạy của Ngài. Cho nên mình có cái gì quý nhất thì mình đem cúng dường. Thỉnh tượng Phật để thể hiện lòng nhớ ơn, một sự cung kính đối với Phật.

Tôi quan niệm hạnh phúc thuộc về mặt tinh thần. Chưa chắc có nhiều tiền đã là hạnh phúc. Có thể sống một đời sống vật chất vừa phải (tất nhiên không để quá nghèo) nhưng vẫn có những giá trị tinh thần lớn lao, như thế đã là hạnh phúc.

Đối với tôi cũng vậy thôi, mình đọc được kinh Phật, hiểu được giáo lý của đạo Phật, và qua đó mình sống tốt hơn, giúp ích được cho nhiều người hơn, từ đó mình thấy đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của mình ngày một thăng hoa. Đức Phật, mặc dù nhục thân của Ngài mất cách đây đã hơn hai ngàn năm trăm năm, nhưng Pháp thân của Ngài vẫn hiện hữu trên thế gian này.

PV: Ông thật sự thấu hiểu và có một niềm tin tuyệt đối như thế vào đạo Phật từ khi nào?

LPV: Gia đình tôi có truyền thống theo đạo Phật, bà nội của tôi là người xuất gia từ năm 1972 theo phái khất sĩ. Tiếp theo ba tôi cũng theo đạo Phật. Hồi xưa, mình sống theo tín ngưỡng gia đình thôi. Lúc đó đạo Phật đối với tôi mang tính tín ngưỡng nhiều hơn là sự tỏ ngộ tâm linh và một sự thấu hiểu, quán triệt tinh thần về tâm linh.

Năm 30 tuổi, nhiều thiện duyên đến. Với tôi, có thể nói việc quay lại với đạo Phật là nhờ vào tha lực, một nhắc nhở của một thế giới tâm linh cao hơn. Tôi nhớ có nhiều sự kiện trong đời sống làm cho tôi ngạc nhiên bất ngờ. Tôi đã từng không tin vào thế giới tâm linh, không tin có Trời, Phật… ngoài thế giới con người. Những gì tôi thấy, tôi nếm, tôi nghe, cảm nhận được thì mới tin.

Rồi có nhiều chuyện xảy ra trong cuộc sống buộc tôi phải thấu hiểu rằng, chắc chắn có một thế giới tâm linh. Lúc đó tôi gần như hoàn toàn sụp đổ. Tôi bắt đầu quan tâm đến cái thế giới đó. Nhiều câu hỏi đặt ra trong tôi: Gốc rễ của thế giới đó là gì? Sự tương tác giữa con người và tâm linh là gì? Và nó tương tác qua cái gì? Sau tất cả, bản chất của thế giới tâm linh đó là gì?...

PV: Thế rồi ông đã tự tìm ra câu trả lời cho mình như thế nào?

LPV: Tôi bắt đầu đọc và tìm hiểu trong kinh Phật rất nhiều nhưng ban đầu vẫn không tự giải thích được. Sau này, khi tôi đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm, lúc đó tôi còn làm nghề lái xe, mỗi lúc nghỉ ngơi tôi lại lấy kinh ra đọc, đọc đến trang nào nhập tâm trang đó, dần dà tôi hiểu được mối giao thoa giữa con người và đời sống tâm linh.

Có thể nói, thiện duyên lớn nhất giúp tôi bước vào đạo Phật và giác ngộ chính là bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm. Sau thiện duyên đó, tôi phát nguyện thường trì tụng bộ kinh này. Và rồi tôi đi tìm một người thầy để quy y.

Mãi sau này, đọc đến kinh điển Đại thừa, tôi hiểu rằng cái tinh túy nhất của đời sống là huệ mạng. Tôi tin rằng nhiều kiếp mình đã tin Phật, hành trì theo đạo Phật và học pháp theo Đại thừa. Hình dung giống như một đời mình sinh ra đã phát nguyện tu hành.

Khi tôi đến với Phật giáo không phải là những cái tôi học trong sách. Có những cái tôi đọc và nhập tâm rất nhanh. Có những lời mình nói ra, và khi đọc lại kinh thì giống y chang. Giống như những dữ liệu trong máy vi tính, mình đã nhập dữ liệu trong bộ nhớ, chỉ cần đúng mật mã là nó hiển thị ra. Dường như tôi có căn lành với Phật pháp.

PV: Về mặt lý thuyết là thế, còn thực tế thì ra sao, bởi vì con người ta thường có xu hướng phải thấy thực tế mới tin được, sách vở đôi khi chỉ có tính hỗ trợ hoặc giúp ta kiểm chứng lại thực tế để từ đó công nhận đúng sai mà thôi. Vì thế, để có được niềm tin sâu sắc và kiên cố đến ngày hôm nay, thực tế mà anh đã trải qua là gì?

LPV: Khi đã ngộ đạo rồi thì nên thực hành, thực hành để bảo đảm hai việc, thứ nhất là chuyển hóa tâm thành các phước báu thế gian, và thứ hai là chuyển hóa tâm thức, vì chuyển hóa tâm thức chính là cái gốc của người tu.

Trong quá trình tu tập, cũng có thể có thầy trực tiếp hoặc là thầy về mặt tâm linh, nếu có duyên thực hành thì sẽ thấy sự mầu nhiệm của nó. Ví dụ, khi mình khởi một sự nghi tình, mình thường không có lời giải. Bỗng nhiên trong cuộc sống xảy đến những chuyện đem đến cho mình một lời giải thích hoặc kết luận rất thích đáng.

Người nào thực hành Phật pháp, là hành giả, có một hành tâm sâu và có căn lành thì thường trong việc học của họ, trong cuộc sống của họ luôn có những diễn biến như vậy.

PV: Thế thì nhân duyên về mặt tâm linh để đưa ông đến với công việc kinh doanh như thế nào?

LPV: Vào thời điểm bắt đầu hiểu Phật pháp, tôi chỉ có một ước nguyện lớn nhất là mong muốn xuất gia. Nói nôm na là chỉ muốn đi tu, không muốn ở đời. Lúc đó tôi đã có vợ và một con trai. Bà xã của tôi khóc quá trời. Bởi vì khi đó tôi thấy thế gian này không nghĩa lý gì hết.

Sau đó, tôi cầu nguyện rất nhiều và hiểu rằng mỗi người sinh ra trên thế gian này có một sứ mệnh riêng. Song song, tôi bắt đầu gặp những cơ hội trong kinh doanh. Có những lúc bế tắc, tôi cầu nguyện và thấy mình sang suốt hơn, minh mẫn hơn, tìm thấy con đường đi đúng đắn hơn. Nói nôm na theo kiểu đi thỉnh kinh của Đường Tam Tạng ấy, cũng trải qua nhiều gian nan nhưng cuối cùng cũng tai qua nạn khỏi.

Đạo Phật chỉ cho tôi thấy rằng, trong bất cứ việc làm nào, tôi cần có cái trí và cái dũng để vượt qua những bế tắc. Tôi gặp nhiều gian truân mới có được sự nghiệp như ngày hôm nay. Nhưng trong quá trình ấy, tôi được rất nhiều may mắn và duyên lành dẫn dắt tôi đi.

PV: Bây giờ xem như ông ta là doanh nhân thành đạt. Ông nói mình giác ngộ đạo Phật, hành trì Phật pháp trong đời sống. Vậy trong việc kinh doanh, ông áp dụng như thế nào về tinh thần của đạo Phật. Chúng ta sẽ bắt đầu từ đề tài là quản trị nhân lực, văn hóa Phật giáo ở Tập đoàn Tôn Hoa Sen như thế nào?

LPV: Phật pháp bất ly thế gian pháp, hay thế gian pháp cũng là Phật pháp. Tôi nghĩ rằng do cái tâm mình thôi. Nếu mình giữ cái tâm đúng, trong sáng, cái tâm cho chính và có trí tuệ, thì việc hành xử trong thế gian và Phật pháp cũng không có gì khác.

Trong công ty tôi, các nhân viên của tôi rất hiền, rất đàng hoàng, chỉ có một mình tôi… dữ. Đó là vì tôi phải nghiêm khắc. Thế gian này, người ta sống với nhau gian nhiều hơn ngay, ai làm gì cũng mánh mung, kiếm chác, vị kỷ… tôi không nói tất cả mà là đa số.

Người tốt cũng có, nhưng ít, hoặc là nhiều thì cũng bị xu thế xã hội khiến người ta co lại. Tôi làm sao đó để nhân viên của mình ít nhiều sống theo đạo Phật, đó là thành thật, không nói dối, bởi vì sự trung thực hiện nay trong xã hội mình thuộc… hàng hiếm!

Chúng ta nói trung thực thì ai cũng nói được, nhưng nghĩ ra những giá trị mà tác động của nó lên một xã hội, một đất nước, một doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Tôi nghĩ, sự trung thực là điều cốt lõi nhất trong mối quan hệ cộng đồng. Có trung thực thì quan hệ giữa con người với nhau mới đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn, vì lúc đó những nghi kỵ nhau không còn, mà chỉ có tin cậy và chia sẻ.

Tôi không dám nói chắc rằng nhân viên của Tập đoàn Hoa Sen là trung thực 100%, nhưng phải dám tự hào là trên 95%. Chúng ta là người phàm, tâm chúng ta không thoát khỏi những vị kỷ, đôi lúc do ngoại cảnh. Nhưng, khi đặt ra cho nhân viên của mình tiêu chí trung thực là tôi muốn họ luôn hướng về và giữ gìn điều ấy.

PV: Ông có áp dụng tâm từ bi vào kinh doanh hay không? Xin hỏi một câu rất cũ, nhưng mong một câu trả lời trung thực như tiêu chí của chính ông đặt ra. Với những đối thủ của mình, ông có xu hướng nhân nhượng hay làm bằng mọi cách để chiến thắng?

LPV: Tất cả hành động của mọi người đều là cái nhân để tạo thành nghiệp báo, theo quy luật nhân quả của nhà Phật. Ở trên thương trường thì phải có cạnh tranh, phải có đối thủ. Tùy theo quan niệm nhìn nhận của từng người, có những người có kiến thức đủ và cao thì họ nhìn sự việc một cách khách quan và rất là chuyên nghiệp.

Trong kinh doanh tôi cũng thường bị sự phản ứng của các đối thủ. Tất nhiên miếng bánh chỉ có thể, mình lớn lên thì người khác phải nhỏ bớt lại. Và khi nhỏ bớt lại thì tâm lý con người thường cảm thấy bị tổn thương, bực bội. Tôi có quan niệm rõ ràng rằng mình làm việc này để đem lại lợi ích cho số đông và một cách chân chính.

Lấy ví dụ tôi có một chiến lược kinh doanh, tôi sẽ đưa ra những sản phẩm tốt hơn, dịch vụ tốt hơn để chinh phục thị trường, nếu tôi thắng thì chắc chắn tôi mang lại lợi ích cho số đông. Nếu các đối thủ của tôi muốn chiến thắng tôi, thì họ phải tạo ra một sản phẩm tốt hơn, dịch vụ tốt hơn, như thế cũng là để phục vụ cho xã hội.

Trong kinh doanh, chúng ta phải hiểu rằng đây là cái “game” và phải “fair play”. Khi chơi thì không bực dọc, bực tức, bất bình, người nào chơi giỏi hơn, chơi tốt hơn thì thắng. Khi lên võ đài phải so găng thì phải chiến đấu hết mình và giành được chiến thắng. Nhưng chiến thắng xong rồi thì bắt tay cười.

Tôi dám tự hào và tự tin nói rằng, tôi là người liêm chính trong kinh doanh. Bạn có thể đi hỏi những người có làm ăn liên quan đến tôi xem thử tôi có bao giờ buôn gian bán lận với ai không? Không bao giờ! Mua hàng với người ta cũng vậy, tiền bạc trả sòng phẳng. Làm ăn rất đàng hoàng.

Thế nhưng trong cạnh tranh, tôi thẳng thắn nói rằng mình luôn có những chiêu thức độc chiêu. Có câu nói quen thuộc thương trường là chiến trường. Theo tôi, một ông tướng trên chiến trường không phải bao giờ cũng muốn tiêu diệt người khác đâu. Nhưng nếu ông tướng này không cương quyết thì ông sẽ thua, sở dĩ phải thắng đối thủ là vì ông phải bảo vệ đoàn quân của mình.

Khi mới bắt đầu làm ăn còn nghèo, mục đích của mình là nuôi sống bản thân và gia đình, sau đó tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho những cộng sự, rồi khi có điều kiện mới đóng góp xã hội.

Trong quá trình làm việc đến nay đã tích lũy số vốn lớn, nhưng việc phải tự nhủ mình làm sao sử dụng số vốn đó và làm sinh sôi nảy nở nhiều hơn mà không bao giờ được quên mục đích đóng góp và chia sẻ cho cộng đồng.

PV: Những điều ông nói có mâu thuẫn với tinh thần buông xả của đạo Phật không? Chẳng hạn như là, có nhất thiết phải làm sinh sôi nảy nở số vốn cho nhiều hơn nữa hay không? Vì khi có một tài sản lớn, nào ai dám chắc ông sẽ không muốn nhiều hơn nữa?

LPV: Vấn đề lớn của tôi đặt ra là phải tìm ra đồng tiền một cách chân chính, chính nghiệp và chính mạng, đó là cái lớn nhất mà cho đến hiện giờ tôi đang giữ được. Hãy xem tiền bạc là phương tiện chứ không phải là mục đích.

Cái thứ hai nữa là, mình kinh doanh để tạo ra lợi nhuận. Tạo ra lợi nhuận rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là chia sẻ lợi nhuận. Chúng tôi có một khái niệm rõ ràng rằng, Hoa Sen sẽ không bao giờ tạo ra lợi nhuận cao bằng cách bóp tối đa chi phí tiền lương của người lao động. Quan niệm thứ hai là lợi nhuận này phải được chia sẻ với nhiều người. Việc chúng tôi luôn đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước, đưa Công ty Hoa Sen ra đại chúng, kêu gọi đầu tư của đại chúng… đó chính là những cách gián tiếp chia sẻ lợi nhuận cho mọi người.

PV: Khi chiến thắng hay đạt được mục đích, ông thấy mình được gì mất gì?

LPV: Tôi đã từng suy nghĩ nhiều về điều này, vì khi tôi càng thành công thì sẽ có nhiều đối thủ không thành công, đó là mâu thuẫn.

Thật ra, kinh doanh có muôn vàn khó khăn và mệt mỏi. Đời sống hiện nay khó khăn, đồng tiền trượt giá… Năm ngoái tôi còn tính thôi đủ rồi, không làm nữa, vì tiền mình đang có cũng đủ nuôi quân, cúng dường, làm từ thiện…

Nhưng các nhân viên của tôi thì bảo: ông đủ rồi nhưng tụi em chưa có. Có những lúc tôi cũng nản lắm chứ, cũng muốn dừng lắm chứ, nhưng dường như có một tiếng nói khác vọng về trong tâm tưởng rằng, chưa đâu, mình còn phải “chiến đấu” để tiếp tục vì bao nhiêu người.

Khi mặc áo giáp của một vị tướng thì phải hành xử như một vị tướng. Nếu tôi muốn sống cuộc đời trong tinh thần từ bi cũng được, chẳng hạn xuất gia, làm từ thiện, nuôi mấy em nhỏ… cái đó càng dễ cho tôi. Nếu chỉ làm giàu cho bản thân mình và gia đình mình, với tôi như thế là quá đủ. Tôi muốn mang lại cuộc sống tốt hơn cho và vì nhiều người khác trong cộng đồng.

PV: Hầu như doanh nhân nào cũng làm từ thiện. Tất nhiên, việc làm từ thiện thì rất tốt. Nhưng cho tôi được mạn phép hỏi một câu rất ngớ ngẩn về động cơ và mục đích của việc làm từ thiện của ông, rằng giữa việc xuất phát từ mục đích vì cộng đồng và để đánh bóng tên tuổi cho doanh nghiệp, phần trăm nào nhiều hơn đối với ông?

LPV: Tôi nghĩ trong giáo lý của Đức Phật có rất nhiều lời dạy rằng phải có một cái nhìn đúng đắn về mọi sự vật, qua cái nhìn đó sẽ có hành động rất chính xác. Giá trị của nó thì rất lớn nhưng để trở thành hiện thực thì phải là một hành động cụ thể.

Mình nói mình thương người không thì không đủ, phải có hành động gì để thể hiện cái thương ấy. Học bố thí cũng vậy.

Tuy nhiên, những của cải mà mình bố thí ấy phải làm ra chân chính bằng mồ hôi, bằng trí óc, bằng sự nỗ lực và lấy của cải ấy giúp cho người khác mới có ý nghĩa. Sự bố thí cúng dường ấy mới đúng.

Trước tiên là giúp người đồng thời với cái thứ hai là giúp mình. Bởi vì trong con người mình thường tham lam, ích kỷ, khi mình làm điều thiện là đối trị với tâm bám víu trong mình, để tâm mình mở rộng hơn. Về vật chất thì đúng là mình giúp cho người khác, còn về tâm linh thì đúng là mình đã tạo sự thăng hoa cho tâm linh của mình.

Những việc làm từ thiện như tôi, tôi nghĩ ở Việt Nam chắc chắn đã có rất nhiều người làm, tôi nghĩ tính vị tha và đùm bọc lẫn nhau ai ai cũng có, có nhiều người làm một cách âm thầm, tôi nghĩ mình chỉ là một trong số đó không có gì đặc biệt.

Tôi nghĩ rằng trong đất nước này vẫn còn có những người có lòng nhân ái, có lòng từ bi, muốn chia sẻ với đồng loại. Điều đó là bình thường chẳng có gì lớn lao.

Cá nhân tôi, để đánh bóng thương hiệu, tôi có nhiều cách khác, như làm sự kiện, làm chương trình truyền hình, tài trợ bóng đá, quảng cáo… Có một số việc từ thiện tôi làm mình tôi biết. Cái mà báo chí và dư luận biết chỉ là một phần nhỏ trong những phần tôi đã làm.

PV: Vậy điều cốt lõi trong kinh doanh của ông và Tập đoàn Tôn Hoa Sen là gì?

LPV: Tập đoàn Hoa Sen luôn có những cách đi riêng của mình không giống như những doanh nghiệp khác để phát triển bền vững, nhưng trên hết phải lấy đạo đức làm nền tảng. Tiêu chí của chúng tôi là trung thực - cộng đồng - phát triển.

Riêng cá nhân tôi, tôi hạnh phúc vì có được những giá trị sống tốt, lại vừa làm được rất nhiều việc để giúp mọi người. Đạo Phật có câu, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn.

PV: Cảm ơn ông về buổi trò chuyện này. Chúc ông luôn an lạc trong mọi hoàn cảnh.

Theo: Văn hóa Phật giáo
__________________