Chùa Bửu Minh Gia Lai - Phật giáo và Thời đại

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Đường Chiêu Đề Tự Đạo Tràng Của Ngài Giám Chân Luật Sư Tổ Đình Luật Tông Phật Giáo Nhật Bản


Thích Tâm Mãn
(chuaminhthanh.com)Đường Chiêu Đề Tự do Ngài Giám Chân Luật Sư, vị Đại Sư danh tiếng của Nhà Đường khai sơn kiến tạo. Đây là một trong những ngôi chùa mang đậm nét kiến trúc đời Thạnh Đường của Phật Giáo Nhật Bản và ngày nay được tôn xưng là quốc bảo kiến trúc của Nhật Bản, Di sản văn hóa thế giới.
Nói đến văn hóa Phật Giáo Nhật Bản không thể không nhắc đến Ngài Giám Chân Đại sư, và khi nói đến Luật học Phật Giáo của Nhật Bản thì càng không thể không nhắc đến Đường Chiêu Đề Tự vì đây là ngôi chùa Tổng Bổn Sơn Luật Tông Phật Giáo Nhật Bản.
Giám Chân Đại Sư, người huyện Giang Dương, Dương Châu Trung Quốc, thế danh là Thuần Vu, xuất thế năm 688, năm lên 14 tuổi lạy ngài Trí Mãn Thiền sư làm thầy, xuất gia thọ giới Sa Di, Đường niên hiệu Thần Long nguyên niên (705) cầu thọ Bồ Tát Giới với Ngài Đạo Ngạn Luật sư ở Quang Châu, niên hiệu Cảnh Long nguyên niên (707) Ngài đến Đông Đô Lạc Dương sau đó đi đến Tây kinh Trường An vào chùa Thật Tế cầu Ngài Hằng Cảnh Luật sư thọ giới Cụ Túc, đương thời hai vị Luật Sư mà Ngài cầu thọ giới đều là những bậc tòng lâm danh đức của Luật tông thời Đường.
Đường niên hiệu Khai Nguyên thứ 23 (733), Giám Chân Đại Sư 48 tuổi, sau bao nhiêu năm cầu học ở Trường An, Ngài đã hoàn thành học nghiệp tinh thông luật học, uyên bác Phật Pháp, Ngài trở về cố hương Dương Châu hoằng dương Luật học, trong 10 năm ở địa vực Giang Hoài, Ngài đã hết sức khai giảng Luật học và kiến đàn truyền giới, danh tiếng lừng lẫy khắp trong vùng, đệ tử theo học rất đông, kiến lập rất nhiều đạo tràng luật viện, trở thành vị Đại Luật sư thứ 2 của đất Giang Hoài sau Đạo Ngạn Luật Sư, thầy truyền thọ giới Bồ tát của Ngài.
Năm 742 niên hiệu Thiên Bảo thứ nhất, Ngài hứa khả lời thỉnh cầu của vị du học Tăng Nhật Bản là Vinh Duệ đến Nhật Bản khai đàn truyền giới, hoằng truyền Luật học, từ khi phát nguyện vược biển đến Nhật Bản truyền giới, hành trình của Ngài vô cùng khó khăn và cực khổ, vượt biển 6 lần mới thành công, đoàn của Ngài đến Nhật Bản có đến 36 người thiệt mạng, cả Tăng lẫn tục thối tâm không đi nữa có đến hơn 200 người, cuối cùng chỉ còn có Ngài cùng với vị học Tăng Nhật Bản là Phổ Chiếu cùng một vị Tăng của Tông Thiên Đài là Tư Thác đến lần thứ sáu, không ngại nguy hiểm đến tánh mạng, trãi qua gần 20 năm gian khổ, 6 lần vượt biển mới đến được Nhật Bản, năm đó Ngài đã 66 tuổi hai mắt không còn thấy nữa nhưng cuối cùng Ngài cũng hoàn thành sứ mệnh, đem được Luật tông đến hoằng hóa tại xứ Phù Tang.
Khi Ngài đến Nhật, Nhật Hoàng sai Đại Thần ra đón, thỉnh Ngài vào trụ tích ở Chùa Đông Đại, các vị cao Tăng Nhật Bản đều đến thăm viếng, sau đó Nhật Hoàng ra chiếu thư hoan nghinh Ngài đến Nhật Bản và sắc phong cho Ngài là Truyền Đăng Đại Sư, sau đó cung thỉnh Ngài kiến Giới Đàn truyền giới cho hoàng gia tại chùa Đông Đại.
Tháng 4 năm đó Ngài dựng Giới Đàn trước chánh điện chùa Đông Đại để truyền Giới, đây là Giới Đàn đầu tiên của Phật Giáo Nhật Bản. Khi Ngài truyền Giới có Thiên Hoàng, Hoàng hậu, Hoàng tử, bá quan văn võ rất nhiều người phát nguyện thọ giới, sau đó tại phía tây chùa Đông Đại, Ngài kiến lập Giới Đàn Viện là cơ sở để hoằng truyền Luật Tông. Năm 757 niên hiệu Thiên Bình Bảo Tự, Nhật Hoàng đem Vương phủ của Thân Vương Tân Điền Bộ cúng dường cho Ngài dựng chùa, kiến tạo Già Lam, và sau 3 năm xây dựng, đến năm 759 niên hiệu Thiên Bình Bảo Tự thứ 3 thì hoàn thành, đặt hiệu chùa là Đường Chiêu Đề Tự.
Đường Chiêu Đề Tự tọa lạc tại thành phố Nại Lương Nhật Bản, kiến trúc chính gồm có Sơn Môn, trên cổng sơn môn có biển đề bốn chử “Đường Chiêu Đề Tự” đây là ngự bút của Thiên Hoàng Nhật Bản là Hiếu Khiêm Nữ Hoàng viết phỏng theo kiểu chử của nhà thư pháp Vương Hy Chi tặng cho chùa. Trong chùa tòng lâm mậu thạnh, phong cảnh u nhàn, đình viên tịch tịnh, điện đường lớp lớp, trùng trùng.
Kiến trúc chính và nổi tiếng của chùa như: Giảng Đường và Thạch Giới Đài được xây dựng vào thời kỳ Nại Lương (710- 789), Kim Đường tức là chánh điện được xây dựng vào thời Liêm Thương (1185-1333), ngoài ra còn có Lầu Trống, Lễ Đường và rất nhiều pháp khí, Kinh sách và tượng Phật đều là tuyệt tác văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc Phật Giáo Nhật Bản.
Vườn chùa trong những danh thụ đem từ Trung Quốc đến như: cây Tùng, Hoa Quế, Hoa Mẫu Đơn, và những loại hoa sen nổi tiếng chùa Chiêu Đề như hoa sen Thanh Liên, hoa sen Vũ Phi Liên, tỏa hương khoe sắc, phía Đông vườn chùa có Tháp mộ của Ngài Giám Chân, trong Ngự Ảnh Đường có thờ tượng của Ngài.
Chùa Đường Chiêu Đề là ngôi Tổ Đình Luật Tông của Phật Giáo Nhật Bản, nơi bắt nguồn rất nhiều kiến thức văn hóa, nghệ thuật, văn học, tôn giáo, luật học, kiến trúc của Phật Giáo Nhật Bản nói riêng và văn hóa Nhật nói chung. Văn Hóa Nhật Bản chiếu sáng và tỏa rạng của ngày hôm nay về nhiều mặt, đều do sự phát tâm “Nhập Đường Cầu Pháp” của rất nhiều thế hệ du học Tăng Nhật Bản, đồng thời cũng do sự phát tâm dõng mãnh của các bậc Truyền Giáo Đại Sư Đông Độ.
Giám Chân Đại Sư, chiếc cầu nối liền giữa hai nền văn hóa và là cội nguồn của nhiều thể loại văn hóa nghệ thuật của Nhật Bản và người Nhật Bản luôn tự hào “Văn Hóa Vu Đường” đó khởi nguồn của sự đóng góp to lớn của Ngài Giám Chân. Và một lần nữa khẳng định địa vị quan trọng của văn hóa Phật Giáo cũng như sự đóng góp tích cực của Phật Giáo trong nền văn hóa Nhật Bản nói riêng và văn hóa Phương Đông nói chung.
tấm biển 4 chữ "Đường Chiêu Đề Tự" ngự bút của Thiên Hoàng Nhật Bản - Hiếu Khiêm Nữ Hoàng
Tượng Ngài Giám Chân Luật Sư
Hoa sen nổi tiếng của Đường Chiêu Đề Tự

http://chuaminhthanh.com/web/danhlam/p2_articleid/615

Không có nhận xét nào: