Chùa Bửu Minh Gia Lai - Phật giáo và Thời đại

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Nơi đâu là tịnh thổ (Tịnh thổ còn gọi là Tịnh độ)



Lâm Thanh Huyền

  

 Một hôm, đệ tử của đức Phật Thích Ca là Xá Lợi Phất đã hỏi Ngài rằng:
- Lạy đấng thế tôn,  tất cả thập phương chư Phật đều có tịnh thổ 1. Phật A-Di-Đà có Tây Phương Cực Lạc, Dược Sư Phật có Đông Phương Lưu Ly Tịnh Thổ.  Thế thì tịnh thổ của Ngài ở đâu?

Phật Thích Ca mỉm cười, Ngài đưa bàn tay chạm vào mặt đất. Bỗng nhiên tất cả bầu trời, mặt đất, chân mây, cọng cỏ đều biến  thành một màu vàng rực rỡ. Ngài nói với chúng đệ tử rằng: 
- Đây chính là tịnh thổ của ta. Nếu như lòng ta thanh tịnh thì cỏ, cây, mây, nước sẽ đều thanh tịnh. Chỉ vì trong lòng các đệ tử chưa được thanh tịnh, cho nên không nhận rõ được nơi này là tịnh thổ đó thôi.
Câu chuyện này đã được ghi lại trong quyển Kinh Duy Ma Cật 2.  Lần đầu tiên khi đọc đến đoạn này, tôi phải công nhận là triết lý nhà Phật đã khiến cho tôi tâm phục. Tất cả mọi người trên thế giới đều muốn sau cuộc hành trình dài của cuộc đời, họ sẽ được trở thành một “hội viên” hay “member” của Tây Phương Cực Lạc, Đông Phương Lưu Ly, hoặc Di Lặc Tịnh Thổ. Hầu như tất cả mọi  người đều không muốn lưu lại vùng tịnh thổ của Phật Thích Ca – Ta Bà thế giới. Thật ra thì Ta Bà thế giới hay thế giới chúng ta đang ở còn được gọi là Phàm Thánh Đồng Cư Thổ. Có nghiã là ở vùng đất này, có thánh nhân, có người phàm cùng ở lẫn lộn. Chỉ cần một ý niệm giác ngộ, thì con người có thể siêu phàm nhập thánh. Vì vậy nếu như tất cả chúng sinh trong thế giới mà ta đang ở đều đồng thời giác ngộ, mọi người chẳng thành bậc thánh nhân hết hay sao? Nếu như trong một thế giới mà toàn thể mọi người đều là thánh nhân thì nơi đó chẳng đáng được gọi là Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn, Tịnh Thổ hay sao?
Theo định nghĩa trong kinh Phật thì tịnh thổ là một  vùng đất hoàn mỹ, lý tưởng, an hòa và viên mãn. Nếu như chúng ta lúc nào cũng hy vọng, cố gắng và phấn đấu để tiến về phía vùng đất lý tưởng này thì quả tim của ta sẽ tự động tìm ra phương hướng để đi về nơi chốn đó. Nếu như một người có tâm hướng về tịnh thổ, thì họ sẽ không bị ô nhiễm vì hoàn cảnh chung quanh mà trái tim của họ sẽ luôn hướng về vùng đất của Phật.
Trong kinh Phật cũng có một đoạn ghi lại như thế này, một hôm đệ tử Thích Ma Nam hỏi Đức Phật Thích Ca rằng:
- Thưa đức Thế Tôn, lúc nào lòng con cũng một lòng hướng về vãng sinh3 tịnh thổ. Nhưng con e ngại rằng nếu như cái chết đến với con một cách đột ngột ngoài ý muốn, lúc đó con sẽ không có đủ thì giờ để niệm Phật, nghĩ đến Phật, hoặc hướng ý chí của mình về tịnh thổ, thì sau khi chết con sẽ đi về đâu?
Phật mỉm cười khoan hòa:
- Con không nên lo ngại, ta hỏi các con điều này: Có một cây to từ lúc sinh ra cho đến lúc lớn lên đã có khuynh hướng mọc nghiêng về hướng Đông. Nếu trong một ngày mưa gió nào đó, cây to kia bị sét đánh ngã, vậy thì cây to sẽ đổ về hướng nào?
Các đệ tử của Phật đồng thanh trả lời:
- Đương nhiên cây đó sẽ ngã về hướng Đông.
Đức Phật Thích Ca gật đầu nói:
- Con người cũng như cây to kia thôi, nếu như chúng sinh lúc sinh tiền một lòng hướng về Phật, về tịnh thổ, về tây phương Cực Lạc, thì đến lúc chết họ sẽ tự động đi đến phương hướng mà họ hằng mơ  ước. 
Tôi nhớ lại những ngày đầu bắt đầu sùng kính đạo Phật, tôi thường đọc kinh A-Di-Đà. Trong kinh sách này, tôi nhận thấy những triết lý tuyệt vời và lòng đại từ đại bi của đức Phật. Tôi cũng ngưỡng mộ vùng đất Cực Lạc của đức Phật đang ngự, đôi khi tôi còn có tư tưởng là muốn bỏ thế giới Ta Bà tôi đang ở để dọn (move) về vùng vãng sinh Cực Lạc. Trong kinh điển nhà Phật đã diễn tả cảnh Cực Lạc thế giới như thế này:
“Ở  vùng Cực Lạc, mặt đất được lát bằng vàng, nhà cửa đền đài đều xây cao bảy tầng, hoa sen to bằng bánh xe. Trên không luôn luôn được dương tiếng nhạc. Hàng ngày chim chóc bay đến thuyết pháp cùng với con người”. 
Cảnh sắc của Tây phương Cực Lạc lý tưởng như vậy. Thế nhưng sự thật thì con người chúng ta thường ham chuộng cái hư ảo xa vời mà quên đi xã hội bằng xương, bằng thịt, có cỏ có hoa, có mây xanh nước biết mà ta đang ở. Vùng đất trước mặt của ta thật dễ dàng trở thành một  vùng tịnh thổ. Tịnh thổ không phải là một trạng thái hiện thực, mà là một sự tượng trưng lý tưởng. Nếu như một con người luôn nghĩ rằng kiếp lai sinh của họ được sinh ra ở một vùng tịnh thổ luôn có “cỏ non xanh ngắt một màu” thì họ sẽ được  tái sinh ở một nơi có đầy cỏ non y như trong mộng ước của họ vậy.
Một ngày kia, Phật Đà cùng các đệ tử đi tản bộ trong một cánh đồng, họ thấy dân làng đang làm lễ tống táng một người vừa hạ thế. Thân thuộc của người quá cố đã tổ chức lễ tống táng rất là trọng thể, chung quanh tang lễ có nhiều vị tu sĩ đang đọc kinh Vãng sinh. Những người tổ chức tang lễ hy  vọng làm như vậy sẽ khiến cho vong linh của người chết được siêu thoát dễ dàng và sớm về đến Tây Phương Cực Lạc. Một đệ tử nhân dịp này đã hỏi đức Phật:
- Thưa đấng Thế Tôn, chẳng hay đọc kinh siêu độ như vậy có tác dụng đưa phần hồn của  người quá cố lên đến cõi Niết Bàn hay không?
Đức Phật mỉm cười, người cúi xuống lượm một hòn sỏi nhỏ ném vào một giếng nước gần đó. Hòn sỏi chạm mặt nước vang lên một tiếng “tủm” rồi chìm xuống đáy giếng. Phật gọi các đệ tử đứng xúm xít gần miệng giếng rồi Ngài truyền rằng:
- Ta đã thảy hòn sỏi nhỏ chìm vào đáy nước. Vậy bây giờ đến phiên các đệ tử hãy đứng chung quanh đọc kinh vãng sinh. Thử xem bao lâu thì hòn sỏi kia có thể nổi lên mặt nước.
Các đệ tử của đức Phật kinh ngạc lên tiếng:
- Thưa Ngài, chúng con nghĩ rằng không có một thứ kinh kệ nào trên đời có thể tụng niệm  cho hòn sỏi kia nổi trở lên mặt nước được cả.
Phật nghiêm trang nói với mọi người:
- Các con biết được điều này là hay. Hòn sỏi chìm xuống đáy nước thì không có một kinh kệ nào có thể tụng để cho nó nổi trở lên. Cũng như một người lúc còn sống mà trái tim họ không hướng về tịnh thổ thì đến lúc chết, bao nhiêu kinh kệ cũng không thể nào đưa họ đến tịnh thổ được. Điều này nhắc nhở các con nên  ghi nhớ là lúc còn sống chúng ta đừng bao giờ nhận chìm chính mình vào đáy nước cả. 
Đây là những lời giáo huấn thật sâu sắc và có ý nghĩa. Nếu như một người nào muốn rằng sau khi chết được trở về với tịnh thổ thì lúc còn sống họ phải giữ một thái độ minh mẫn, thanh tịnh, đừng làm ô nhiễm xã hội mà họ đang sống thì mới có được hy vọng đi đến vùng tịnh thổ. Một vị cao tăng ngày xưa là Thiện Đạo đại sư của tông phái Tịnh độ4  đã nói rằng: “Cái tâm an bình là một điều kiện tất yếu để đưa con người đến vãng sinh tịnh thổ”.
Thử hỏi một con người sống ở trong xã hội này mà lúc nào trái tim họ cũng phập phồng lo sợ không an tâm thì làm sao họ có thể đến được vùng đất tự do ? Điều này cũng đồng thời nói lên là khi ta sống trong một xã hội nào thì hãy cố gắng quan tâm đến sự an ninh trật tự trong xã hội đó, ta cũng nên cố gắng giữ cho xã hội được thanh tịnh sạch sẽ. Được như vậy, thì không riêng gì ta, mà tất cả mọi sự vật, mọi người thân, hay nói chung là xã hội mà ta đang cư ngụ sẽ dần dần đi đúng con đường trở thành vùng đất Thiên Đàng, vãng sinh Tịnh Thổ vậy.
-----------

Chú thích
1. Tịnh thổ : Tịnh là sạch, vùng đất sạch, tinh khiết, nơi mà chư Phật thuyết pháp, dành riêng cho chúng sinh đắc đạo.
2. Kinh Duy Ma Cật: Duy Ma Cật sinh cùng thời với đức Phật Thích Ca. Ông đã chấp nhận lý thuyết Phật giáo nên trở thành một tín đồ trung tín. Ông không đi tu mà chỉ là một cư sĩ tại gia, thế nhưng tài biện luận của ông đã nổi tiếng đến đỗi những đại đệ tử của đức  Phật đều phải thán phục. Những trứ  tác và biện chứng của ông đã được lưu truyền và ghi chép lại, về sau đã trở thành một bộ kinh điển quan trọng trong Phật giáo Đại Thừa. Ông cũng duy nhất là một người không đi tu mà được Phật giáo đồ xưng tụng lên hàng thập đại Bồ Tát.
3. Vãng sinh: ý chỉ khi chúng sinh mệnh chung sẽ đi đến một tha phương thế giới. Trong Phật môn dùng chữ vãng sih để thay thế cho chữ “chết”.
4. Tịnh Độ Tông hay Tịnh Thổ Tông là một tông phái Phật giáo tại Trung Hoa. Phật giáo khai sinh từ An Độ, truyền vào Trung Hoa khoảng thế kỷ thứ nhất. Vào khoảng năm 300 A.D. là thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh. Nhiều vị tôn sư trong lúc chú giảng và phiên dịch những kinh sách đã nghĩ theo một đường lối riêng nên chia thành nhiều tư tưởng. Sự phận chia tông phái trong Phật giáo không những không làm Phật giáo chia rẽ, mà còn làm phát triển  tôn giáo này mạnh mẽ thêm. Tông phái Tịnh độ được khai sáng bởi Huệ Viễn Thiền Sư vào năm 334 và sau này lớn mạnh trở thành một trong Bát Đại Tông Phái Phật giáo tại Trung Hoa. Tông phái này tin  tưởng vào Phật pháp nhiệm mầu, những vị tăng ni chủ trương niệm Phật Tam Muội. Có nghĩa là nếu như thành tâm và kiên trì thì tiếng niệm Phật sẽ  lồng lộng vang dội trong trời đất. Vì vậy trong thế giới của Tịnh Độ Tông, có nhiều vị cao tăng  đã niệm Phật hiệu suốt 30, 40 năm không ngừng nghĩ là chuyện thường thấy. Thậm chí có một số tăng nhân không đặt lưng xuống giường đến 50, 60 năm.  Chúng tôi sẽ đưa ra một số cụ thể trong những bài sắp tới.

  

Không có nhận xét nào: